Nhịp tim chậm không phải lúc nào cũng bất thường. Nhiều người khỏe mạnh hoặc các vận động viên chuyên nghiệp có nhịp tim khi nghỉ ngơi từ 40 đến 60 nhịp mỗi phút. Tuy nhiên, điều này có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng nếu nhịp tim trở nên chậm đến mức tim ngừng bơm đủ máu cho cơ thể. Tình trạng này cần đánh giá và điều trị cẩn thận.
Tim đập chậm sẽ làm giảm khả năng co bóp và tống máu, giảm lượng máu đi nuôi cơ thể, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau ngực, choáng váng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hiện tượng này kéo dài mà không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim, có thể gây ngừng tim, đe dọa đến tính mạng.
Các triệu chứng nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm bất thường có thể ngăn não, các cơ quan khác nhận đủ oxy, dẫn đến các triệu chứng khác nhau như: đau hoặc khó chịu ở ngực, lú lẫn hoặc gặp vấn đề về trí nhớ, dễ mệt mỏi, ngất xỉu hoặc gần như ngất xỉu, chóng mặt hoặc choáng váng (đặc biệt khi gắng sức), hụt hơi hoặc khó thở.
Các dấu hiệu này trở nên tồi tệ hơn khi tập thể dục vì nhu cầu của cơ thể tăng lên khi bị căng thẳng. Tuy nhiên, chúng cũng có thể xuất hiện khi cơ thể nghỉ ngơi nếu nhịp tim chậm nghiêm trọng.
Nếu nhịp tim chậm có liên quan đến bất kỳ triệu chứng nào trong số này, bạn nên thăm khám bác sĩ để xác định nguyên nhân. Điều trị thích hợp có thể đưa nhịp tim trở lại bình thường.
Nguyên nhân gây nhịp tim chậm
Một số tình trạng có thể gây ra nhịp tim chậm, bao gồm:
- Tổn thương mô tim liên quan đến lão hóa.
- Thiệt hại các mô tim do bệnh tim hoặc đau tim.
- Dị tật tim bẩm sinh.
- Viêm cơ tim.
- Biến chứng của phẫu thuật tim.
- Mất cân bằng các chất hóa học trong máu (kali hoặc canxi).
- Ngưng thở trong khi ngủ do tắc nghẽn.
- Bệnh viêm nhiễm (sốt thấp khớp hoặc lupus).
Nhịp tim chậm thường liên quan đến tổn thương mô tim do một số loại bệnh tim. Bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim đều có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim chậm. Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim có thể là tuổi tác, huyết áp cao, hút thuốc, sử dụng rượu nặng, sử dụng ma túy bất hợp pháp, căng thẳng và lo lắng.
Các biến chứng có thể xảy ra của nhịp tim chậm gồm: thường xuyên ngất xỉu, suy tim, ngừng tim đột ngột hoặc đột tử.
Cách phòng ngừa nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm có thể do một số loại thuốc gây ra, đặc biệt nếu chúng được dùng với liều lượng cao thế nên cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mặc dù nhịp tim chậm thường không thể ngăn ngừa nhưng vẫn có biện pháp giảm nguy cơ phát triển bệnh tim.
- Tập thể dục thường xuyên giúp giảm huyết áp, tăng lipoprotein mật độ cao (HDL), giảm căng thẳng và cải thiện khả năng tim bơm máu vào cơ thể bằng cách chuyển oxy ra khỏi máu một cách hiệu quả. Tập thể dục cũng có thể giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch như tiểu đường, cholesterol cao và béo phì.
- Ăn chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ít chất béo, muối, đường.
- Duy trì cân nặng hợp lý vì thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc, các loại cá. Hạn chế các loại đồ ăn nhanh, đồ muối chua, các thực phẩm nhiều chất béo.
- Kiểm soát huyết áp, cholesterol.
- Ngừng hút thuốc, hạn chế rượu bia.
- Quản lý cảm xúc, giảm căng thẳng.
- Thường xuyên đi khám để kiểm soát các bệnh lý kèm theo.
- Khám sức khỏe định kỳ giúp ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch, trong đó có nhịp tim chậm.
Theo suckhoedoisong.vn