Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết, gan đại diện cho hệ thống lọc chính của cơ thể con người, chuyển đổi độc tố thành chất thải, làm sạch máu và chuyển hóa chất dinh dưỡng và thuốc để cung cấp cho cơ thể một số protein quan trọng nhất. Là một phần cơ bản trong quá trình điều hòa tổng thể của cơ thể, điều tối quan trọng là giữ cho gan khỏe mạnh và hạn chế ăn quá nhiều.

"Trong những năm gần đây, có nhiều sản phẩm đã được tung ra thị trường với mục đích giải độc và làm sạch gan, duy trì chức năng gan hoặc phục hồi gan đã bị tổn thương sau những bữa tiệc tùng với nhiều thức ăn và bia rượu. Tuy nhiên, có những quảng cáo gây lầm tưởng phổ biến về sức khỏe gan cũng như việc thải độc qua gan", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Cơ chế hoạt động của gan

leftcenterrightdel
 Chế độ ăn uống không khoa học, gây thừa cân có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ
Bác sĩ Vũ cho biết, gan là một trong những cơ quan lớn trong cơ thể, gan đảm nhiệm nhiều chức năng trao đổi chất quan trọng. Bao gồm chuyển đổi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống thành các chất mà cơ thể có thể hấp thụ; hấp thụ các chất độc hại và chuyển đổi thành chất vô hại hoặc thải độc qua gan...

Với sự trợ giúp của vitamin K, gan sản xuất ra các protein quan trọng trong quá trình đông máu, đồng thời phá vỡ các tế bào máu cũ hoặc bị hư hỏng. Mô gan được tạo thành từ rất nhiều đơn vị tế bào nhỏ hơn, có nhiều kênh dẫn máu và mật chạy giữa. Máu từ các cơ quan tiêu hóa chảy qua tĩnh mạch cửa đến gan, mang theo các chất dinh dưỡng, thuốc men và cả các chất độc hại. Sau khi đến gan, các chất này sẽ được xử lý, lưu trữ, thay đổi, giải độc và truyền trở lại vào máu hoặc đào thải ra ngoài. Bằng cách này, gan có thể loại bỏ rượu và các sản phẩm phụ từ quá trình phân hủy thuốc ra khỏi máu.

Gan đóng vai trò trung tâm trong mọi quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ví dụ như khi chuyển hóa chất béo, các tế bào gan phân hủy chất béo và tạo ra năng lượng, đồng thời sản xuất khoảng 800 - 1.000 ml mật mỗi ngày.

"Trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, gan đảm bảo lượng đường trong máu ở mức ổn định. Nếu lượng đường trong máu tăng lên, chẳng hạn như sau bữa ăn, gan sẽ loại bỏ glucose huyết do tĩnh mạch cửa cung cấp và lưu trữ dưới dạng glycogen. Nếu lượng đường trong máu quá thấp, gan sẽ phá vỡ glycogen và giải phóng đường vào máu. Cũng như glucose, gan cũng dự trữ vitamin và khoáng chất (sắt và đồng), và thải vào máu khi cần thiết", bác sĩ Vũ cho hay.

Các biện pháp phòng ngừa các bệnh về gan

Bác sĩ Vũ chia sẻ, chính vì vai trò quan trọng của gan mà chúng ta cần thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt để bảo vệ và phòng ngừa các bệnh về gan:

Không nên uống rượu bia: Việc uống rượu bia có thể gây nên nhiều bệnh lý về gan như viêm gan cấp tính, suy gan cấp, xơ gan do rượu...

Tránh tăng cân. Duy trì chỉ số khối cơ thể ở mức bình thường (18 đến 25) bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và chế độ tập thể dục, ăn uống đa dạng, bổ sung nhiều các các loại rau, trái cây và đi khám nếu có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh gan.

leftcenterrightdel
 Nên tăng cường các loại rau củ trong bữa ăn

Khám sàng lọc: Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh gan như sử dụng rượu quá mức, tiền sử gia đình mắc bệnh gan… cần phải đi khám sàng lọc, vì bệnh gan mạn tính có thể diễn biến âm thầm trong nhiều năm và không được phát hiện.

"Nếu bị tổn thương gan, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đưa ra kế hoạch điều trị và khuyến cáo an toàn cho người bệnh thay vì sử dụng các sản phẩm không được kiểm định và cấp phép rõ ràng", bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Theo Thanh niên