“Xem tin tức quá nhiều có thể khiến chúng ta càng ngày càng lo sợ hơn nữa”, phó giáo sư Viên trả lời câu hỏi của Zing về cách F0 có thể đảm bảo sức khỏe tâm lý khi tự chăm sóc ở nhà, trong khuôn khổ buổi tọa đàm trực tuyến ngày 30/8.

“Hãy chăm sóc cơ thể, tập thở, và ăn uống điều hòa trở lại. Đừng nằm suốt cả ngày, và đừng ở trong phòng tối”, bác sĩ Viên nhấn mạnh.

Lấy ví dụ, ông Viên chỉ ra rằng hiện tượng bệnh trầm cảm thường xảy ra nhiều hơn vào mùa đông ở Mỹ. Nguyên nhân là người dân ở trong nhà nhiều, trong khi bên ngoài không còn ánh Mặt Trời nên cơ thể không được thoải mái.

Buổi tọa đàm trực tuyến có sự tham gia của một số kiều bào ở Mỹ như bác sĩ Đoàn Đào Viên (góc trái bên trái), bác sĩ Lý T. Lương thuộc Đại học Y Loma Linda, và bác sĩ Lê Trần Hoàng thuộc Đại học Y Arizon. Ảnh chụp màn hình.


“Vì thế, nếu ở trong phòng cách ly, hãy mở cửa cho có ánh sáng và đi lại thường xuyên trong phòng”, ông Viên nói và khuyên thêm rằng hãy gọi điện cho bạn thân để tâm sự, chia sẻ.

Cũng trong buổi tọa đàm, ông Viên bày tỏ mong muốn thành lập nhóm bác sĩ hỗ trợ tư vấn từ xa cho Đồng Nai và Tiền Giang.

Theo đó, bác sĩ ở Mỹ có thể dùng hệ thống TeleHealth của Mỹ để kết nối với bệnh nhân tại Việt Nam qua Internet. Sau khi lập hồ sơ bệnh lý, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân rồi hẹn tái khám trong 2-4 ngày.

Khả năng tư vấn qua hệ thống này có thể đạt 200-300 bệnh nhân trong mỗi 4 giờ một ngày, theo thông cáo báo chí của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.

Để chương trình này thành công, bác sĩ Viên cần tổ chức tình nguyện tại địa phương hỗ trợ giới thiệu bệnh nhân và cung cấp thuốc cùng trang thiết bị miễn phí.

Buổi tọa đàm ngày 30/8 có chủ đề “Kinh nghiệm thực tiễn chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ - Thành lập nhóm bác sĩ tư vấn từ xa cho F0 tại Đồng Nai và Tiền Giang”.

Sự kiện này do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh, cùng Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Nai và Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang tổ chức.

Theo Zing