Bác sĩ nói gì về ăn cay và các cơn đau tim?
Cập nhật lúc 00:03, Thứ sáu, 22/11/2024 (GMT+7)
Cuộc tranh luận từ lâu về tác động của ăn cay đối với sức khỏe tim mạch vẫn tiếp diễn. Trong khi một số người tin rằng cách ăn này tốt cho tim, những người khác lại lo lắng về những nhược điểm tiềm ẩn của nó.
Theo tiến sĩ Vinoth, bác sĩ tim mạch làm việc tại Bệnh viện Care Hitech City, Hyderabad (Ấn Độ), không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa việc thường xuyên ăn cay và các cơn đau tim, theo tờ Indian Express.
|
|
Cuộc tranh luận về tác động của việc ăn cay đối với sức khỏe tim mạch vẫn tiếp diễn |
Khoa học đã phát hiện điều gì?
Nghiên cứu đã phát hiện ăn ớt thường xuyên giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Nghiên cứu của Ý được công bố năm 2019 trên tạp chí của Học viện Tim mạch Mỹ, bao gồm 22.000 người tham gia, được theo dõi trong hơn 8 năm, đã phát hiện ăn ớt hơn 4 lần một tuần giúp giảm 1/3 nguy cơ tử vong do bệnh tim so với hiếm khi hoặc không bao giờ ăn ớt. Đáng chú ý, ngay cả người ăn uống kém lành mạnh cũng gặt hái được lợi ích.
Các tác giả giải thích hoạt chất capsaicin trong ớt giúp giảm tình trạng viêm và các quá trình có hại khác liên quan đến sự tích tụ mảng bám mỡ trong động mạch.
Lợi ích của ăn cay
Thực tế, ăn cay vừa phải có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe.
Tính chất chống viêm và chống oxy hóa. Capsaicin, hợp chất tạo nên vị cay trong ớt, có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Những đặc tính này có thể giúp giảm viêm và căng thẳng oxy hóa, cả hai đều giúp giảm bệnh tim.
|
|
Không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa việc thường xuyên ăn đồ cay và các cơn đau tim |
Cải thiện quá trình trao đổi chất. Capsaicin có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Giảm huyết áp. Một số nghiên cứu cho thấy capsaicin có thể giúp hạ huyết áp, giảm áp lực lên tim, theo Indian Express.
Thận trọng
Mặc dù đồ ăn cay có thể mang lại lợi ích tiềm năng, nhưng chỉ nên ăn cay vừa phải. Ăn quá cay có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và khó chịu, có thể ảnh hưởng gián tiếp đến tim mạch.
Vì vậy, người mắc bệnh tim hoặc hệ tiêu hóa nhạy cảm cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tăng cấp độ cay.
Theo Thanh niên