leftcenterrightdel
 

Có nhiều yếu tố quyết định tuổi thọ của chúng ta. Một số yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta như di truyền và bệnh tật. Tuy nhiên, một số khác lại liên quan đến thói quen sống như chế độ ăn uống và tần suất tập thể dục, điều này hoàn toàn có thể kiểm soát.

Mặc dù không thể biết chính xác chúng ta sẽ sống được bao lâu nhưng có một số chỉ số nhất định có thể giúp dự đoán tuổi thọ của mình. Trong đó có bài kiểm tra đứng ngồi có thể dự đoán khả năng tử vong của một người trong độ tuổi từ 51 đến 80 trong tương lai gần.

1. Thông tin về bài kiểm tra

Một nghiên cứu năm 2012 do Hiệp hội Tim mạch Châu Âu công bố đã tìm thấy mối tương quan giữa bài kiểm tra đứng ngồi (SRT) và tuổi thọ của con người. Nghiên cứu được tiến hành trên 2002 người, trong đó 68% là nam giới, những người đã thực hiện bài kiểm tra SRT và được các nhà nghiên cứu theo dõi trong những năm tiếp theo.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng sức khỏe tim mạch, sự cân bằng, sự nhanh nhẹn, sức mạnh cốt lõi và độ linh hoạt của chân và thân - những điều này được đánh giá bằng bài kiểm tra SRT, là một yếu tố dự báo tử vong đáng kể ở những đối tượng từ 51 - 80 tuổi.

Cách thực hiện

Để thực hiện bài kiểm tra này, bạn không cần bất kỳ thiết bị nào. Tất cả những gì bạn cần làm là chuyển từ tư thế đứng sang ngồi khoanh chân, rồi sau đó lại chuyển từ tư thế ngồi trở về tư thế đứng.

Quy tắc ở đây là chỉ sử dụng chân và phần thân để đứng lên và ngồi xuống. Bạn bắt đầu bài kiểm tra với số điểm là 10. Bạn sẽ bị trừ một điểm nếu sử dụng bất kỳ bộ phận nào sau đây để hỗ trợ khi đứng lên hoặc ngồi xuống: Tay, đầu gối, cẳng tay, một tay trên đầu gối hoặc đùi và bên chân.

leftcenterrightdel
Bài kiểm tra đứng ngồi đánh giá tuổi thọ 

Bạn có được 10 điểm không?

Theo kết quả từ nghiên cứu trên, số điểm cụ thể có thể dự đoán tuổi thọ của bạn theo cách sau:

- Những người có điểm từ 0 đến 3 có nguy cơ tử vong cao hơn 6,5 lần trong quá trình nghiên cứu, so với những người có điểm từ 8 đến 10.

- Những người có điểm từ 3,5 đến 5,5 có khả năng tử vong cao gấp 3,8 lần so với những người có điểm cao.

- Những người có điểm từ 6 đến 7,4 có nguy cơ tử vong cao hơn 1,8 lần so với những người có điểm cao nhất.

- Nếu bạn không sử dụng bất kì bộ phận nào nhưng vẫn có thể đứng lên ngồi xuống thì bạn đạt điểm số cao nhất là 10 điểm. Nếu một người trong độ tuổi từ 51 đến 80 đạt 10 điểm, khả năng sống sót trong 6 năm tới là khá cao.

Lưu ý khi thực hiện bài kiểm tra này

- Bất kỳ ai, giới tính hay độ tuổi nào đều có thể thực hiện. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị chấn thương, đau đầu gối hoặc đau hông thì không nên thực hiện bài tập kiểm tra này.

- Người cao tuổi khi thực hiện bài kiểm tra này cần có người bên cạnh để phòng ngừa nguy cơ té ngã.

- Cởi giày và mặc quần áo thoải mái khi thực hiện

2. Yếu tố khác có thể dự báo về tuổi thọ

Ngoài bài kiểm tra đứng ngồi đã được đề cập, bạn cũng có thể dự đoán tuổi thọ qua một số yếu tố khác. Cụ thể:

- Tuổi võng mạc

Theo nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Mắt Úc thực hiện và được công bố trên Tạp chí Nhãn khoa Anh, khoảng cách tuổi võng mạc có thể là một chỉ số quan trọng hoặc "công cụ sàng lọc" để xác định tuổi thọ của một cá nhân.

Nhiều bằng chứng cho thấy rằng hệ thống vi mạch của võng mạc có thể cho thấy sức khỏe não bộ và hệ tuần hoàn.

Để đánh giá tuổi võng mạc, bạn cần thăm khám mắt tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ sử dụng một camera chuyên dụng chụp ảnh để kiểm tra sức khỏe của các mạch máu nhỏ trong võng mạc, lớp nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt.

- Thời gian đi bộ

Đi bộ tốt cho trí óc, cơ thể và tâm hồn, thậm chí có thể giúp bạn sống lâu hơn. Việc ít vận động có liên quan đến nhiều nguy cơ bệnh tật như tim mạch, tiểu đường, béo phì,... những yếu tố này có thể làm suy yếu sức khoẻ và giảm tuổi thọ.

CDC khuyến nghị hầu hết người lớn nên đặt ra mục tiêu đi bộ tới 10.000 bước mỗi ngày - khoảng cách này tương đương với khoảng 8 km để giúp tăng cường sức khoẻ tổng thể và kéo dài tuổi thọ. Người cao tuổi có thể giảm tần số với khoảng 7500 bước mỗi ngày.

leftcenterrightdel
 Ít vận động có thể làm giảm tuổi thọ

- Tốc độ đi

Chậm chạp là một dấu hiệu cảnh báo về sự thoái triển chức năng ở người lớn tuổi. Đi chậm có thể dự đoán mất khả năng chức năng trong tương lai. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cachexia Sarcopenia and Muscle, tình trạng đi bộ chậm chạp xảy ra trước tình trạng mất khả năng này vài năm.

Do vậy, nếu bạn còn đi bộ nhanh nhẹn và linh hoạt, điều này cho thấy bạn vẫn đang "sở hữu" một sức khoẻ dẻo dai, một tín hiệu đáng mừng để dự báo về tuổi thọ.

- Bài kiểm tra thăng bằng 10 giây

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh cho thấy những người ở độ tuổi trung niên hoặc lớn tuổi và không thể giữ thăng bằng trên một chân trong 10 giây có thể có khả năng tử vong cao gấp đôi trong vòng 10 năm, so với những người có thể vượt qua bài kiểm tra giữ thăng bằng trên một chân trong 10 giây.

Cách thực hiện khá đơn giản, bạn đứng trên 1 chân và giơ 1 chân lên mà không có sự hỗ trợ nào, mắt tập trung nhìn về phía trước trong khi 2 tay giữ ở 2 bên cơ thể. Cũng như bài tập đứng ngồi, nếu là người cao tuổi khi thực hiện cần có người giám sát.

3. Một số lời khuyên để tăng tuổi thọ

Bạn không thể quyết định tuổi thọ do yếu tố di truyền nhưng bạn có thể tăng tuổi thọ bằng cách duy trì những lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Những yếu tố này cũng quyết định rất lớn đến sức khoẻ tổng thể và tuổi thọ của chúng ta. Cụ thể:

- Vận động nhiều hơn

Trong Tạp chí Nghiên cứu Lão hóa cho thấy những người tập thể dục thường xuyên - thậm chí chỉ 3 giờ một tuần - sống lâu hơn tới 6,9 năm so với những người không tập.

Theo NHS, người lớn trong độ tuổi từ 19 đến 64 nên thực hiện ít nhất 150 phút hoạt động cường độ vừa phải mỗi tuần hoặc 75 phút hoạt động cường độ mạnh mỗi tuần.

Có rất nhiều bài tập thể dục từ cường độ nhẹ đến mạnh mà bạn có thể lựa chọn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga, aerobic, chống đẩy, tập tạ, bơi,...

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh như giàu rau, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh và axit béo omega-3 có thể cải thiện tuổi thọ.

Theo Health, chế độ ăn Địa Trung Hải được coi là tốt nhất để sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Chế độ ăn này là một cách ăn uống nhấn mạnh vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chất béo lành mạnh. Nhìn chung khi áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải, bạn sẽ ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, dầu oliu, ăn nhiều cá, thay thịt đỏ bằng thịt gia cầm, uống một lượng vừa phải rượu vang trong mỗi bữa ăn.

- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông thường xuyên ngủ ngon có thể sống lâu hơn gần 5 năm so với những người không ngủ ngon, trong khi phụ nữ có thể hưởng lợi thêm 2 năm.

Bạn nên ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm, tốt nhất nên đi ngủ trước 23 giờ và thức giấc vào khoảng 5 - 6 giờ sáng.

Vân Anh/Nguồn: Tổng hợp, Ảnh: Today, Medicalnewstoday