Đau dây thần kinh sinh ba (trigeminal neuralgia) là một trong những tình trạng đau mạn tính phức tạp và khó chịu nhất, đặc trưng bởi những cơn đau nhói, buốt dữ dội, thường xuất hiện đột ngột ở vùng mặt.
1. Vai trò của tập luyện đối với người đau dây thần kinh sinh ba
Đau do đau dây thần kinh sinh ba xảy ra dọc theo phân bố của một hoặc nhiều nhánh cảm giác của dây thần kinh số 5, thường là nhánh hàm trên.
Cơn đau kéo dài vài giây đến 2 phút, nhưng nhiều lần trong ngày.
Đau dây thần kinh sinh ba (đau dây 5) thường mô tả cảm giác đau như bị "dao cắt", "kim chích", hoặc "bỏng rát".
Bệnh xuất phát từ tổn thương hoặc bất thường của dây thần kinh sinh ba - dây thần kinh chính truyền dẫn cảm giác từ mặt lên não.
Tập luyện đóng vai trò quan trọng trong cải thiện sức khỏe tổng thể của người bệnh, giúp giảm đau và giảm thiểu sự căng thẳng về tinh thần:
Giảm căng thẳng và lo âu: Căng thẳng và lo âu là hai yếu tố có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của các cơn đau. Một số nghiên cứu cho thấy các bài tập thư giãn như yoga, thiền và thở sâu giúp giảm căng thẳng và điều hòa cảm xúc.
Bằng cách giảm áp lực tinh thần, người bệnh có thể cảm nhận được sự giảm thiểu của các triệu chứng đau, đồng thời duy trì tinh thần lạc quan hơn trong quá trình điều trị bệnh.
Tăng cường lưu thông máu: Tập luyện nhẹ nhàng giúp tăng cường tuần hoàn máu, đặc biệt là ở vùng cổ, mặt, và đầu. Lưu thông máu tốt sẽ giúp cung cấp nhiều oxy hơn cho các cơ và dây thần kinh, từ đó giảm thiểu sự tắc nghẽn và căng cơ - một trong những nguyên nhân khiến triệu chứng đau trầm trọng hơn.
Thư giãn cơ và dây thần kinh: Việc cơ mặt, cổ và hàm bị căng cứng có thể làm tăng áp lực lên dây thần kinh sinh ba, từ đó gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các cơn đau. Các bài tập giãn cơ và tập trung vào vùng cổ, hàm giúp giảm căng thẳng cơ học lên dây thần kinh, mang lại cảm giác thoải mái và giảm đau.
Tăng cường sự linh hoạt và hỗ trợ hệ thần kinh: Việc duy trì vận động cơ thể, ngay cả khi ở mức độ nhẹ nhàng, giúp duy trì sự linh hoạt của các khớp và hệ cơ, điều này có thể hỗ trợ việc kiểm soát các cơn đau. Tập luyện cũng cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể, góp phần giảm thiểu các yếu tố có thể làm xấu đi tình trạng dây thần kinh sinh ba.
2. Các bài tập tốt cho người đau dây thần kinh sinh ba
Mặc dù các bài tập không trực tiếp điều trị đau dây thần kinh sinh ba, nhưng chúng có thể giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số bài tập được khuyến nghị cho người bệnh.
2.1. Bài tập thở sâu
Thở sâu là một kỹ thuật thư giãn đơn giản nhưng hiệu quả, giúp làm dịu hệ thần kinh và giảm căng thẳng. Thở sâu cũng hỗ trợ cải thiện lưu lượng oxy trong cơ thể, từ đó giảm đau và mệt mỏi.
Cách thực hiện:
Ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, giữ lưng thẳng.
Đặt tay lên bụng và hít vào chậm rãi qua mũi, để bụng phình ra.
Thở ra từ từ qua miệng, cảm nhận không khí rời khỏi cơ thể và cơ bụng co lại.
Lặp lại từ 5 - 10 phút mỗi ngày.
2.2. Bài tập căng cơ cổ (Neck Stretching Exercises)
Căng cơ cổ giúp giảm căng thẳng và áp lực lên dây thần kinh sinh ba. Động tác kéo giãn cơ cổ đơn giản nhưng có thể mang lại sự thư giãn tức thì cho vùng cổ và đầu.
Cách thực hiện:
Ngồi thẳng lưng trên ghế, hai tay đặt dọc theo hai bên thân.
Nghiêng đầu nhẹ nhàng về bên phải, sử dụng tay phải nhẹ nhàng kéo đầu để tạo độ căng nhẹ ở cổ trái.
Giữ trong 20 - 30 giây, sau đó đổi bên.
Lặp lại 3 - 5 lần cho mỗi bên.
2.3. Bài tập giãn cơ hàm (Jaw Stretch)
Bài tập này giúp giảm căng cơ hàm - một trong những yếu tố có thể gây căng thẳng và đau cho dây thần kinh sinh ba.
Cách thực hiện:
Ngồi thẳng, giữ tư thế thoải mái.
Từ từ mở miệng càng rộng càng tốt mà không gây đau hoặc khó chịu, giữ trong 5 giây.
Đóng miệng lại và lặp lại động tác này từ 10 - 15 lần.
2.4. Yoga: Tư thế em bé (Child’s Pose)
Tư thế yoga này giúp toàn bộ cơ thể thư giãn, giải phóng căng thẳng ở vùng cổ, vai và lưng. Đây là một trong những tư thế yoga cơ bản giúp cải thiện sức khỏe của hệ thần kinh.
Cách thực hiện:
Quỳ trên sàn với đầu gối mở rộng và hai bàn chân chạm nhau.
Hạ người xuống, đưa trán chạm sàn, tay duỗi thẳng về phía trước.
Giữ tư thế trong 1 - 2 phút, hít thở đều và sâu.
2.5. Bài tập mắt (Eye Movement Exercises)
Đau dây thần kinh sinh ba thường liên quan đến các khu vực quanh mắt, do đó bài tập mắt giúp giảm căng thẳng và cải thiện lưu thông máu.
Cách thực hiện:
Ngồi hoặc đứng, nhìn thẳng về phía trước.
Nhìn lên cao nhất có thể, giữ trong 5 giây, sau đó nhìn xuống.
Lặp lại tương tự với các hướng nhìn sang trái và phải.
Lặp lại động tác 10 lần cho mỗi hướng.
3. Lưu ý khi tập luyện cho người đau dây thần kinh sinh ba
Tập luyện có thể mang lại nhiều lợi ích cho người đau dây thần kinh sinh ba, nhưng cần tuân thủ một số lưu ý để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nên chọn thời điểm tập luyện khi cơ thể đã được nghỉ ngơi và tinh thần thoải mái. Thời gian lý tưởng là buổi sáng sau khi thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Việc tập luyện sau giấc ngủ dài vào buổi sáng giúp làm ấm cơ thể và kích thích tuần hoàn máu, trong khi tập vào buổi tối giúp thư giãn cơ bắp và giảm căng thẳng trước khi nghỉ ngơi.
Khi đang ốm hoặc cơ thể mệt mỏi, không nên thực hiện các bài tập đòi hỏi sức lực hoặc áp lực lớn. Tuy nhiên, các bài tập nhẹ nhàng như thở sâu và yoga có thể giúp cơ thể thư giãn mà không gây hại.
Nếu cảm thấy cơ thể quá mệt mỏi, hãy dừng tập và nghỉ ngơi đầy đủ trước khi tiếp tục chương trình tập luyện.
Ngoài ra, để tránh những tổn thương trong quá trình tập luyện, người bệnh cần thực hiện đúng kỹ thuật và động tác. Không nên ép buộc cơ thể thực hiện những tư thế quá khó hoặc gây khó chịu. Điều chỉnh bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và luôn lắng nghe cơ thể để biết khi nào nên dừng lại.
Hơn nữa, nên tập luyện trong không gian yên tĩnh và thoải mái, tránh những yếu tố gây căng thẳng từ môi trường xung quanh.
Mặc dù đau dây thần kinh sinh ba là một tình trạng mạn tính, tập luyện nhẹ nhàng có thể giúp giảm thiểu đau và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bằng cách thực hiện đều đặn các bài tập thở, giãn cơ, yoga và kiểm soát căng thẳng tinh thần, người bệnh có thể giảm thiểu cơn đau và duy trì sức khỏe tốt hơn.
Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Theo suckhoedoisong.vn