1. Vai trò của tập luyện đối với người giãn mao mạch xuất huyết di truyền
Giãn mao mạch xuất huyết di truyền (Hereditary Hemorrhagic Telangiectasia - HHT), còn được gọi là hội chứng Osler-Weber-Rendu, là một rối loạn di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến mạch máu.
Bệnh này gây ra sự phát triển bất thường của các mao mạch, dẫn đến việc các mạch máu dễ bị giãn nở và dễ vỡ, gây xuất huyết.
Biểu hiện chính của HHT là sự xuất hiện của các nốt giãn mao mạch nhỏ trên da, thường thấy ở mặt, tay và miệng. Các nốt này có thể chảy máu dễ dàng, gây ra tình trạng xuất huyết kéo dài.
Ngoài ra, HHT còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như phổi, gan và não, gây các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết trong các cơ quan này hoặc hình thành các dị dạng động tĩnh mạch.
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của HHT là chảy máu mũi, có thể xảy ra thường xuyên và gây ra tình trạng thiếu máu.
Chẩn đoán bệnh dựa trên triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm di truyền.
Điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng, như sử dụng laser để giảm giãn mao mạch hoặc phẫu thuật đối với các tổn thương nặng.
Vì HHT là bệnh di truyền, nên việc tư vấn di truyền là rất quan trọng trong việc quản lý bệnh và ngăn ngừa di truyền cho thế hệ sau.
Tập luyện thể dục có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể cho người mắc bệnh giãn mao mạch xuất huyết di truyền, nhưng cần phải được thực hiện cẩn thận để tránh các nguy cơ xuất huyết và biến chứng mạch máu.
Mặc dù bệnh nhân HHT có nguy cơ cao bị xuất huyết từ các mao mạch giãn nở, việc tập luyện thể dục nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường tuần hoàn máu và duy trì cân nặng hợp lý, từ đó giảm thiểu căng thẳng lên hệ mạch máu.
Các hình thức tập luyện nhẹ nhàng hoặc các bài tập giãn cơ có thể mang lại lợi ích mà không gây áp lực lớn lên hệ thống mạch máu. Đặc biệt, các bài tập có thể giúp người bệnh tăng cường sức khỏe tinh thần, cải thiện hơi thở và giảm căng thẳng, góp phần vào việc điều hòa huyết áp và giảm thiểu nguy cơ chảy máu.
Tuy nhiên, người bệnh cần tránh những bài tập cường độ cao hoặc các hoạt động thể chất có khả năng gây chấn thương, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết.
Một lợi ích quan trọng khác của việc tập thể dục là giúp cải thiện chức năng hô hấp và tim mạch. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người bệnh HHT, vì họ có thể gặp các vấn đề về dị dạng động tĩnh mạch ở phổi, gây khó thở và giảm oxy máu, hạn chế khả năng hô hấp và trao đổi oxy.
Việc tập luyện thường xuyên và đúng cách có thể hỗ trợ cải thiện khả năng hô hấp, từ đó giúp cơ thể người bệnh vận chuyển oxy hiệu quả hơn.
2. Các bài tập tốt cho người bệnh giãn mao mạch xuất huyết di truyền
Bài tập 1: Bài tập thở sâu
- Cách thực hiện:
+ Ngồi hoặc nằm trong tư thế thoải mái, giữ lưng thẳng.
+ Đặt một tay lên bụng và một tay lên ngực.
+ Hít vào từ từ qua mũi, cảm nhận bụng phồng lên, sau đó ngực phồng lên.
+ Thở ra nhẹ nhàng qua mũi, cảm nhận ngực và bụng xẹp xuống.
+ Thực hiện 5 - 10 chu kỳ thở như vậy, tập trung vào việc điều chỉnh hơi thở một cách nhẹ nhàng.
- Tác dụng: Bài tập thở sâu giúp cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ thể, tăng cường chức năng phổi, tuần hoàn máu. Giúp người bệnh giãn mao mạch xuất huyết di truyền duy trì sự thư giãn và kiểm soát tốt hơi thở, từ đó hỗ trợ việc giảm nguy cơ xuất huyết.
Bài tập 2: Tư thế ngồi thiền
- Cách thực hiện:
+ Ngồi xếp bằng thoải mái trên sàn, hai tay đặt lên đầu gối hoặc để trên đùi.
+ Giữ lưng thẳng, hít thở sâu, đều.
+ Tập trung vào hơi thở trong 5 - 10 phút.
- Tác dụng: Tư thế ngồi thiền giúp người bệnh tập trung vào hơi thở, làm dịu hệ thần kinh, giảm căng thẳng. Điều này giúp người bệnh ổn định tinh thần, duy trì tâm trạng thư giãn, có lợi cho việc quản lý huyết áp.
Bài tập 3: Tư thế cái cây
- Cách thực hiện:
+ Đứng thẳng, từ từ nâng một chân lên, đặt bàn chân lên đùi của chân còn lại.
+ Giữ thăng bằng, hai tay chắp lại trước ngực hoặc giơ lên trời.
+ Giữ tư thế trong 30 giây đến 1 phút, sau đó đổi chân.
+ Thực hiện bài tập từ 3 - 5 lần.
- Tác dụng: Tư thế này hỗ trợ cải thiện sự cân bằng, tập trung tinh thần, tăng cường sự ổn định của cơ thể. Bên cạnh đó, còn giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức mạnh của chân, cột sống mà không gây áp lực lên hệ mạch máu.
Bài tập 4: Tư thế xác chết
- Cách thực hiện:
+ Nằm ngửa trên sàn, hai tay thả lỏng dọc theo thân, lòng bàn tay hướng lên.
+ Chân thả lỏng tự nhiên, hơi mở ra.
+ Nhắm mắt, thư giãn toàn bộ cơ thể và tập trung vào hơi thở.
+ Giữ tư thế này trong 5 - 10 phút, hít thở tự nhiên.
- Tác dụng: Tư thế xác chết giúp thư giãn toàn bộ cơ thể, tâm trí, cải thiện hơi thở, điều hòa hệ thần kinh. Đây là tư thế lý tưởng để giảm căng thẳng, áp lực, giúp cơ thể hồi phục sau các đợt xuất huyết.
Bài tập 5: Tư thế ngọn núi
- Cách thực hiện:
+ Đứng thẳng, các ngón chân chụm lại, gót chân tách nhẹ.
+ Người tập giữ vai thả lỏng, tay ôm sát người.
+ Hít thật sâu, từ từ nâng tay cao qua đầu và đan các ngón tay lại với nhau giống như một ngọn núi.
+ Đẩy nhẹ gót chân để đứng trên các mũi chân. Lúc nào cơ thể cũng cần giữ trên một đường thẳng từ bàn tay đến chân.
+ Uỡn nhẹ người, mặt hơi nâng lên nhìn thẳng về phía trước.
+ Dồn trọng lượng cơ thể lên các đầu ngón chân, cố gắng duỗi căng hết sức có thể vai, ngực, cánh tay.
+ Hoặc có thể giữ thăng bằng bằng một chân, chân còn lại co lên đến khi bàn chân chạm đầu gối.
+ Giữ nguyên tư thế ngọn núi trong khoảng 20 giây rồi thở ra, nhẹ nhàng đưa tay, đưa chân xuống vị trí ban đầu.
- Tác dụng: Tư thế này hỗ trợ cải thiện tư thế đứng, tăng cường sự cân bằng, ổn định cột sống, điều chỉnh hơi thở. Tác dụng này rất tốt cho việc kiểm soát huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ người bệnh giãn mao mạch xuất huyết di truyền thư giãn, giảm căng thẳng.
3. Những lưu ý khi tập luyện
- Nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, tránh các động tác mạnh, phức tạp hoặc có nguy cơ tạo áp lực lớn lên hệ thống mạch máu.
- Lắng nghe cơ thể và phản ứng của cơ thể trong quá trình tập luyện. Nếu cảm thấy bất kỳ dấu hiệu nào như chóng mặt, khó thở, đau nhức hay mệt mỏi, hãy dừng lại ngay lập tức, nghỉ ngơi.
- Tập trung vào việc điều hòa hơi thở trong suốt quá trình tập luyện. Hơi thở đều đặn không chỉ giúp thư giãn mà còn hỗ trợ huyết áp ổn định.
- Bắt đầu tập luyện từ thời gian ngắn rồi tăng dần thời gian tập luyện. Tần suất tập luyện nên duy trì ở mức vừa phải, từ 2 - 3 lần mỗi tuần, tùy thuộc vào khả năng, sức khỏe của người bệnh.
- Chọn môi trường tập luyện an toàn, thoáng mát, có đủ không gian, ánh sáng tự nhiên. Tránh các khu vực có nhiều người hoặc có nguy cơ va chạm, gây chấn thương.
- Nếu người bệnh đang trong tình trạng ốm (cảm cúm, sốt hoặc bất kỳ bệnh nào ảnh hưởng đến sức khỏe), nên tạm ngừng tập luyện. Lúc này, cơ thể cần năng lượng để phục hồi, tập luyện có thể gây thêm áp lực lên hệ thống miễn dịch.
Theo suckhoedoisong.vn