Hội chứng Lyell hay còn gọi là hoại tử thượng bì nhiễm độc (toxic epidermal necrolysis - TEN), là một trong những bệnh da liễu hiếm gặp, thường do phản ứng nghiêm trọng với thuốc hoặc một số yếu tố khác.
Bệnh này gây ra tình trạng bong tróc da và niêm mạc, tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, thông qua tập luyện, người mắc hội chứng Lyell có thể cải thiện sức khỏe tổng thể, đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh.
1.Vai trò của tập luyện đối với người mắc hội chứng Lyell
Hội chứng Lyell là một bệnh lý da hiếm gặp nhưng vô cùng nghiêm trọng. Hội chứng bệnh gây hoại tử và bong tróc lớp thượng bì, làm cho da trở nên nhạy cảm, dễ tổn thương và dễ nhiễm trùng.
Bệnh thường xuất hiện do phản ứng dị ứng nghiêm trọng của cơ thể với thuốc, đặc biệt là kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc trị bệnh động kinh,....
Những triệu chứng của hội chứng Lyell như: Bong tróc da, phồng rộp, đau, sốt cao, mệt mỏi, suy kiệt; tổn thương niêm mạc mắt, miệng và hệ hô hấp,… Do mức độ nghiêm trọng của bệnh, người mắc hội chứng Lyell thường phải nhập viện và được chăm sóc y tế đặc biệt. Tuy nhiên, sau giai đoạn cấp tính, việc hồi phục yêu cầu một quá trình dài. Trong đó, vận động và tập luyện đúng cách đóng vai trò hỗ trợ quan trọng giúp tăng cường quá trình phục hồi.
|
|
Bài tập hít thở sâu tăng cường cung cấp oxy cho cơ thể. |
Tập luyện giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp và độ bền: Trong giai đoạn điều trị, người bệnh thường mất nhiều thời gian nằm trên giường, giảm sức mạnh cơ bắp. Các bài tập nhẹ nhàng giúp ngăn ngừa hiện tượng teo cơ và cải thiện sự linh hoạt của cơ bắp.
Tập luyện hỗ trợ hệ tuần hoàn: Vận động giúp tăng cường lưu thông máu, giúp các cơ quan trong cơ thể nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng. Từ đó hỗ trợ quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.
Giảm căng thẳng và lo âu: Tập luyện có thể hỗ trợ người mắc hội chứng Lyell cải thiện tinh thần, giảm căng thẳng và lo âu. Khi tập luyện, cơ thể giải phóng endorphin, giúp cải thiện tâm trạng và giấc ngủ. Tăng cường miễn dịch: Tập luyện nhẹ nhàng giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, từ đó chống lại các nhiễm trùng thứ phát - một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với người mắc hội chứng Lyell.
2. Bài tập tốt cho người mắc hội chứng Lyell
Mặc dù hội chứng Lyell chủ yếu ảnh hưởng đến da và niêm mạc, nhưng nó cũng có thể tác động tiêu cực đến hệ thần kinh, cơ bắp và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Người mắc hội chứng Lyell thường cần thời gian để phục hồi và tái tạo da, niêm mạc. Chính vì vậy, các bài tập nhẹ nhàng, không gây áp lực lớn lên cơ thể là lựa chọn phù hợp nhất.
Dưới đây là một số bài tập mà người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà hoặc trong môi trường phục hồi.
2.1. Các bài tập hít thở sâu
Hít thở sâu có tác dụng giúp tăng cường cung cấp oxy cho cơ thể và thúc đẩy lưu thông máu. Đây là bài tập rất cơ bản và phù hợp với những người mới bắt đầu tập luyện sau thời gian dài nằm viện, không riêng người mắc hội chứng Lyell.
Các bước thực hiện:
- Người bệnh ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái.
- Nhắm mắt và hít một hơi thật sâu qua mũi trong vòng 4 giây, giữ hơi trong 3 giây.
- Thở ra từ từ bằng miệng trong vòng 6 giây.
- Lặp lại quá trình này 10-15 lần.
2.2. Bài tập căng cơ nhẹ nhàng
Các bài tập căng cơ giúp kích thích cơ bắp hoạt động, cải thiện sự linh hoạt của cơ thể, giảm căng thẳng cơ bắp sau thời gian nằm nghỉ lâu. Bài tập này phù hợp để thực hiện khi người bệnh cảm thấy cơ thể đã hồi phục đủ để vận động.
Cách thực hiện:
- Người bệnh ngồi thẳng lưng, hai chân duỗi thẳng.
- Dùng hai tay vươn về phía trước và cố gắng chạm vào ngón chân.
- Giữ tư thế này trong 10 giây rồi thả lỏng, lặp lại 5-7 lần.
2.3. Bài tập cổ và vai
Khi nằm lâu điều trị bệnh, vùng cổ và vai dễ bị cứng. Các động tác xoay cổ và vai có tác dụng giảm căng thẳng và tăng sự linh hoạt cho các khớp.
Các bước thực hiện:
- Ngồi thẳng lưng, từ từ nghiêng đầu sang phải, giữ 5 giây, sau đó đổi sang bên trái.
- Người bệnh xoay đầu theo hình vòng tròn từ trái sang phải và ngược lại. Lặp lại 5 lần cho mỗi chiều.
- Xoay vai từ trước ra sau và từ sau ra trước, mỗi chiều 10 lần.
2.4. Bài tập co duỗi chân tay
Bài tập này sẽ giúp kích hoạt cơ bắp và hỗ trợ tuần hoàn máu, đồng thời hỗ trợ người bệnh duy trì độ dẻo dai của cơ thể, hạn chế nguy cơ teo cơ.
Các bước thực hiện:
- Ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái.
- Duỗi thẳng cánh tay và chân, sau đó co lại nhẹ nhàng.
- Lặp lại quá trình này 10 lần cho mỗi bên.
2.5. Bài tập yoga
Yoga không chỉ tốt cho người mắc hội chứng Lyell mà còn phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.
Một số tư thế yoga cơ bản có thể giúp giảm căng thẳng cơ thể, đồng thời tăng cường sự dẻo dai và linh hoạt cơ bắp như tư thế cái cây, tư thế đứa trẻ, tư thế mèo - bò,…
Các bước thực hiện tư thế đứa trẻ:
- Ngồi quỳ gối trên thảm tập, hai tay vươn thẳng về phía trước, trán chạm đất.
- Giữ tư thế này trong 10-15 giây và thư giãn.
- Thực hiện 3-5 lần.
3.Lưu ý khi tập luyện cho người mắc hội chứng Lyell
Đối với người mắc hội chứng Lyell, việc tập luyện cần được thực hiện cẩn thận và tuân thủ một số nguyên tắc để đảm bảo an toàn:
Nên lựa chọn thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối để tập luyện, khi nhiệt độ môi trường không quá nóng hoặc lạnh, giúp tránh tình trạng mất nước hoặc nhiễm lạnh.
Trong giai đoạn cấp tính của bệnh hoặc khi cảm thấy cơ thể không đủ khỏe, người bệnh không nên ép buộc cơ thể tập luyện.
Lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cần thiết là điều quan trọng để tránh gây tổn hại thêm cho sức khỏe. Không nên tập luyện với cường độ quá mạnh ngay từ đầu. Người bệnh cần làm quen với các bài tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ theo thời gian.
Cần bổ sung đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện để tránh mất nước.
Sử dụng quần áo thoáng mát, nhẹ nhàng để cơ thể không bị kích ứng da.
Có thể thấy, tập luyện là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục của người mắc hội chứng Lyell. Với những bài tập nhẹ nhàng và phù hợp, người bệnh có thể cải thiện sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình tái tạo da.
Theo suckhoedoisong.vn