Bệnh Crohn còn được gọi là viêm ruột mạn tính từng vùng, là một tình trạng rối loạn tiêu hóa, liên quan đến bất kỳ vị trí tổn thương nào trên đường tiêu hóa nhưng chủ yếu phân bố ở ruột non và đại tràng. Bệnh bắt đầu với áp xe, sau đó có thể phát triển thành rò trong, ngoài và tắc ruột ở những trường hợp nghiêm trọng. Bên cạnh những triệu chứng điển hình là tiêu chảy và đau bụng, bệnh Crohn cũng có thể gây ra tình trạng viêm khớp cho người bệnh.

1. Vai trò của tập luyện với những người mắc bệnh Crohn

Giúp ngăn ngừa, giảm béo phì: Những người mắc bệnh Crohn bị béo phì có thể gặp phải biến chứng trong quá trình điều trị, dẫn đến tỷ lệ nhập viện tăng, cần phẫu thuật sớm hơn…

Một trong những lợi ích tiềm năng của việc tập thể dục là giúp điều trị và ngăn ngừa béo phì (cùng với các biện pháp can thiệp chế độ ăn uống khác), có lợi cho người bệnh.

Ngăn ngừa loãng xương: Những trường hợp mắc bệnh Crohn có nguy cơ bị mất xương ở một mức độ nào đó, ngoài ra còn có nguy cơ cao bị gãy xương. Tập luyện có thể tăng mật độ khoáng chất trong xương, cải thiện sức khỏe xương cho những người mắc bệnh Crohn.

Khắc phục các tình trạng viêm khớp: Tập luyện đều đặn giúp giảm đau, cải thiện sức mạnh và tính linh hoạt của các khớp, đặc biệt là ở cột sống khi bị viêm khớp, tình trạng bệnh có nguy cơ mắc cao hơn ở những người mắc bệnh Crohn.

Cải thiện chất lượng cuộc sống: Ngoài việc cải thiện các triệu chứng cụ thể của bệnh Crohn, tập luyện thường xuyên còn giúp giảm mệt mỏi, cải thiện sức khỏe tổng thể, nâng cao chất lượng giấc ngủ, chất lượng cuộc sống, giảm mức độ căng thẳng, lo lắng…

Tăng cường hệ thống miễn dịch: Tập luyện ở cường độ vừa phải có thể giảm viêm bằng cách giảm mỡ nội tạng và giải phóng các phân tử gây viêm, giúp phục hồi mô ruột bị tổn thương. Điều này đặc biệt quan trọng vì bệnh Crohn thường được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch.

Giảm nguy cơ ung thư ruột kết: Hoạt động thể chất đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ ung thư ruột kết, một căn bệnh mà người bệnh Crohn có nguy cơ mắc phải cao hơn.

20201102_benh-crohn-1

Tập luyện giúp người bệnh Crohn giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

2. Bài tập tốt cho người mắc bệnh Crohn

Bài tập hiếu khí

Gọi hình thức tập luyện là hiếu khí do các bài tập này cần oxy để tạo năng lượng. Một hình thức tập thể dục hiếu khí an toàn, thiết thực và dễ dàng là đi bộ. Đây là bài tập cường độ thấp đến trung bình phổ biến nhất đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Theo nghiên cứu, những bệnh nhân mắc bệnh Crohn có thể đi bộ quãng đường trung bình là 3,5 km mà không làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Các hoạt động hiếu khí tác động thấp khác bao gồm: Bơi lội, đạp xe cố định, bài tập sức bền cơ bắp (như plank, lunge cùng với các thiết bị như dây kháng lực đàn hồi hoặc tạ tự do và nhắm vào các nhóm cơ chính ở thân và chân).…

Bài tập tăng cường sự dẻo dai

Các bài tập dẻo dai giúp tăng độ đàn hồi của cơ, tăng sức mạnh cơ và giảm đau khớp rất hiệu quả. Các bài tập này có thể là yoga, thái cực quyền… Một số tư thế kéo giãn trong yoga mà người bệnh Crohn có thể áp dụng gồm:

Tư thế trái núi

Tác dụng: Tư thế trái núi có thể dễ dàng thực hiện ở bất cứ đâu, đứng trên thảm hoặc chỉ trên sàn, giúp cải thiện tư thế, mở ngực và tăng cường cơ bắp.

Cách thực hiện:

  • Đứng thẳng với hai chân rộng bằng hông và hai tay để dọc hai bên thân người.
  • Thư giãn và xoay vai về phía sau và phía trước một vài lần.
  • Hướng về phía trước, từ từ giơ hai tay thẳng lên trên đầu. Hít vào và giữ nguyên tư thế trong 10 giây.
  • Khi thở ra, từ từ hạ hai tay xuống hai bên.
  • Lặp lại chuỗi động tác trong hai hoặc ba phút.
leftcenterrightdel
 
                                       Tư thế trái núi.

Gác chân lên tường

Tác dụng: Tư thế gác chân lên tường giúp cải thiện lưu thông máu.

Cách thực hiện:

  • Nằm xuống thảm và dịch chuyển cơ thể về phía trước cho đến khi mông chỉ cách tường vài cm.
  • Nằm ngửa và đưa chân lên tường với mông đặt áp trên thảm, đầu gối thả lỏng và gót chân đặt trên tường.
  • Thư giãn cánh tay ở hai bên. Hít thở sâu, hít thở đều và giữ nguyên tư thế trong hai hoặc ba phút để cảm nhận chân được kéo căng nhẹ nhàng.
  • Để thoát khỏi tư thế, hãy cong đầu gối, lăn sang một bên và đẩy người lên tư thế ngồi. Ngồi trên thảm trong ít nhất 30 giây nữa.

Lưu ý: Bạn nên tránh tư thế này nếu bạn có tình trạng sức khỏe gây tích tụ chất lỏng, chẳng hạn như bệnh tim sung huyết, bệnh thận hoặc bệnh gan.

Tư thế em bé

Tác dụng: Kéo căng lưng và các cơ xung quanh hông, thư giãn.

Cách thực hiện:

  • Quỳ trên thảm hoặc chăn với mông trên gót chân.
  • Cúi người về phía trước và duỗi thẳng cánh tay ra phía trước trên thảm. Đặt trán lên thảm. Bạn cũng có thể đưa cánh tay ra sau để chúng nằm dọc hai bên cạnh chân.
  • Hít thở sâu và chậm trong 8 đến 10 nhịp thở.
  • Một biến thể dễ hơn một chút của tư thế em bé là dang rộng đầu gối ra từ cùng một vị trí và uốn cong cánh tay trước mặt, dùng tay như một chiếc gối để tựa trán.
leftcenterrightdel
 
                                     Tư thế em bé.

Chuỗi động tác kéo giãn khi ngồi

Tác dụng: Thư giãn, giảm căng thẳng, tăng cường tính linh hoạt cho cơ, khớp.

Cách thực hiện:

Để bắt đầu, hãy ngồi thoải mái trên thảm ở tư thế bắt chéo chân hoặc ngồi trên ghế với hai chân đặt phẳng trên sàn.

  • Bước 1: Hít thở sâu và thư giãn.

Bắt đầu bằng cách chắp hai lòng bàn tay lại trước ngực và hít thở sâu. Khi bạn hít vào và thở ra từ từ, hãy nhắm mắt lại và cảm nhận bụng, lồng ngực được thư giãn và mở rộng. Hít thở chậm từ 8 - 10 lần.

  • Bước 2: Nghiêng người sang một bên

Trong lần hít vào tiếp theo, giơ hai tay qua đầu và giữ khoảng cách hai tay bằng vai. Khi thở ra, hãy hạ tay trái xuống thảm hoặc ghế, cánh tay phải giơ lên, nhẹ nhàng uốn cong thân mình sang bên trái, chỉ ở mức thoải mái. Quay đầu về phía cánh tay giơ lên, hít thở hai lần và cảm nhận sự căng giãn cơ liên sườn bên phải.

Hít vào, duỗi thẳng thân mình và giơ cánh tay phải lên sao cho cả hai cánh tay đều duỗi thẳng trên đầu, rộng bằng vai.

Lặp lại động tác căng giãn ở phía bên kia, nhẹ nhàng đặt cánh tay phải trên thảm hoặc ghế và cúi về phía bên phải với cánh tay trái giơ lên cao.

  • Bước 3: Duỗi người về phía trước

Tiếp theo, duỗi thẳng thân mình và đưa cánh tay lên cao khi bạn hít vào. Khi bạn thở ra, cúi về phía trước xa nhất có thể. Bạn có thể đặt cánh tay lên thảm trước mặt. Nếu bạn ngồi trên ghế, có thể đặt cánh tay lên đầu gối hoặc thả chúng xuống sàn.

leftcenterrightdel
 
                                   Tư thế nghiêng người sang một bên trong chuỗi động tác kéo giãn tốt cho người bệnh Crohn.

Các hoạt động thể chất khác tốt cho người bệnh Crohn

Khiêu vũ: Khiêu vũ có thể kích thích sản xuất endorphin tạo cảm giác dễ chịu như một hình thức tập thể dục, giúp người bệnh Crohn giảm cảm giác lo lắng, trầm cảm.

Pilates: Pilates là chế độ tập thể dục tác động thấp được thiết kế để tăng cường cơ cốt lõi, cải thiện tư thế và tăng tính linh hoạt. Bài tập này cũng có thể giúp xây dựng xương và giảm căng thẳng cho người bệnh Crohn.

3. Những lưu ý với người bệnh Crohn khi tập luyện

Thời điểm tập tốt trong ngày: Với bất kỳ hoạt động thể chất nào, người bệnh Crohn nên lựa chọn thời điểm tập luyện phù hợp (có thể là buổi sáng, buổi chiều hoặc tối) với lịch sinh hoạt, làm việc của mình để duy trì động lực và sự thường xuyên. Tuy nhiên, không nên tập ngay sau khi ăn no và quá gần giờ đi ngủ.

Khi bệnh ở giai đoạn cấp hoặc cơ thể mệt mỏi: Trong giai đoạn này, người bệnh nên hạn chế tập luyện mà tập trung vào việc điều trị, đợi khi cơ thể bình phục thì lại tiếp tục các bài tập trong lịch trình của mình.

Cách tập không gây hại sức khỏe:

- Nên lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe và thời gian của từng cá nhân.

- Tập luyện ở nơi thoáng mát, sạch sẽ.

- Khởi động kỹ trước khi tập.

- Uống đủ nước khi tập luyện.

- Nên tránh các bài tập cường độ cao như chạy nước rút hoặc chạy ngắt quãng, đạp xe nước rút, leo cầu thang, leo núi, nhảy squat, quyền anh hoặc kickboxing, nhảy hộp…

- Khi tập luyện xuất hiện triệu chứng chuột rút, đau bụng, đầy hơi… thì nên ngừng và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Theo suckhoedoisong.vn