1. Nhận biết viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng do phong hàn thường chảy nước mũi trong, nghẹt tắc mũi, cảm thấy ngứa trong mũi, mũi dễ bị xuất huyết. Nghẹt tắc mũi nên có thể dẫn đến những chứng trạng như nhức đầu, ù tai, nghe kém, nói giọng mũi, hắt hơi, khô cổ, miệng hôi, rêu lưỡi trắng, mạch nhỏ yếu…
Một số trường hợp viêm mũi dị ứng do phong hàn lâu ngày có thể gây nên loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi.
Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị tích cực, có thể dẫn đến một số biến chứng như viêm xoang. Do nghẹt mũi cho nên người bệnh phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, dị ứng phế quản và rất có thể dẫn đến bệnh hen suyễn hoặc hen tái diễn.
Tế tân, vị thuốc khai khiếu, trừ phong hàn
2.Bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng do phong hàn
-Thành phần bài thuốc: Ma hoàng 12 gam, thược dược 16 gam, ngũ vị tử 6gam, can khương 8 gam, cam thảo 8 gam, quế chỉ 8 gam, bán hạ 12 gam, tế tân 4 gam.
Cách dùng: Ma hoàng bỏ mắt, quế chi bỏ vỏ. Ma hoàng + nước 1300 ml sắc còn 950 ml vớt bỏ bọt rồi cho các vị còn lại vào, sắc lọc bỏ bã lấy 150 ml, chia đều 3 phần, uống trong ngày. Uống ấm tốt hơn uống lạnh.
-Tác dụng: Giải biểu hóa ẩm, bình suyễn chỉ khái.
Phương giải bài thuốc: Bài thuốc có tác dụng kiêm trị cả biểu lý, bên ngoài giải tán phong tà, bên trong trừ thủy ẩm.
-Tế tân vị cay, khai khiếu, trừ phong hàn;
-Ngũ vị tử tính ấm, vị chua liễm phế khí, cải thiện chứng đau đầu
-Can khương ấm trung tiêu, ấm phổi, hồi dương, trừ hàn, tiêu đàm
-Ma hoàng + Quế chi để phát hãn;
-Thược dược hợp với Quế chi để điều hòa dinh vệ;
Bán hạ giáng nghịch khí;
-Cam thảo điều hòa trung tiêu.
Ứng dụng : Chữa viêm mũi dị ứng do phong hàn khi phế khí bị mất điều hòa gây ra. Trên lâm sàng còn dùng để chữa các chứng nôn khan, phát sốt, ho hoặc nghẹn, tiểu tiện không lợi, bụng đầy hoặc suyễn thở, không mồ hôi, không khát hoặc đàm ẩm suyễn khái hoặc toàn thân nặng nề, chân tay phù thũng.
Tân di, vị thuốc chữa viêm mũi dị ứng
3. Món ăn hỗ trợ điều trị chứng viêm mũi dị ứng
-Thành phần: Trứng gà 2 quả, tân di 6g. Trứng gà luộc với tân di, khi chín ăn trứng, uống nước thuốc.
Cách dùng: Dùng liền trong 5 ngày, nghỉ 3 ngày rồi lại bắt đầu liệu trình khác.
Trong bài, tân di vị cay, tính ấm, không độc, vào hai đường kinh phế và vị, có công dụng trừ phong, tán hàn, thông khiếu, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đau đầu do phong hàn, đau răng, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cũng đã chứng minh, tân di có tác dụng dược lý phong phú, làm giãn mạch cục bộ, tăng cường lưu lượng dòng máu, nhờ đó mà cải thiện tình trạng vi tuần hoàn; giảm đau và tiêu viêm; ức chế virus cúm và một số vi khuẩn, chống dị ứng, chống ngưng tập tiểu cầu và làm hưng phấn hô hấp…
Theo suckhoedoisong.vn