1. Tác dụng dược lý của vừng đen

Trong hạt vừng đen có các thành phần chủ yếu như vitamin E, niacin (nicotinic acid), linoleic acid, palmitic acid và lecithin…

- Vitamin E có tác dụng chống ôxy hóa, ngăn chặn sự phá hủy tế bào của các gốc tự do, cải thiện tuần hoàn máu, phòng trị bệnh xơ vữa động mạch và tai biến mạch máu não, làm chậm quá trình lão suy, tăng cường sự phân tiết của tuyến sinh dục và dịch vị, điều hòa trung khu thần kinh và dự phòng bệnh về mắt.

- Niacin (nicotinic acid) có tác dụng xúc tiến quá trình trao đổi chất trong tế bào, duy trì tính đàn hồi của huyết quản, tăng cường chức năng vi tuần hoàn của máu, phòng trị bệnh về da và chống viêm.

- Các acid béo chưa bão hòa trong dầu vừng như linoleic acid, palmitic acid và lecithin có giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt chúng còn có tác dụng điều tiết lượng cholesterol trong máu, giúp cơ thể tiêu trừ những chất trầm tích trên thành động mạch và duy trì tính đàn hồi của huyết quản.

photo-1693397125573

Sử dụng vừng đen lâu dài có tác dụng trị liệu huyết áp cao, phòng xơ vữa động mạch.

2. Bài thuốc từ vừng đen trị huyết áp cao, phòng ngừa xơ vữa động mạch

- Bài thuốc sắc vừng đen câu kỷ tử

Thành phần: Vừng đen 20g, câu kỷ tử 15g, hà thủ ô 15g, cúc hoa 9g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.

- Thuốc bột vừng đen ngưu tất

Thành phần: Vừng đen, hà thủ ô, ngưu tất, lượng bằng nhau.

Cách dùng: Các vị thuốc tán bột mịn, trộn đều; mỗi lần uống 6g, ngày uống 3 lần.

- Vừng đen trứng gà mật ong

Thành phần: Vừng đen 30g, giấm ăn 30g, mật ong 30g, lòng trắng trứng gà vỏ đỏ 1 quả.

Cách dùng: Vừng đen rang chín, nghiền bột trộn với giấm, mật ong, lòng trứng, trộn đều, hấp chín, chia ăn trong ngày.

Theo suckhoedoisong.vn