Khoảng 1/3 cuộc đời con người dành cho giấc ngủ. Để ngủ ngon, mỗi người đều có những thói quen khi ngủ của riêng mình như đeo bịt mắt, bật đèn ngủ hay nghe nhạc... Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những thói quen này đôi khi lại gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là thói quen bật đèn khi ngủ. Dưới đây là những tác hại mà việc bật đèn khi ngủ gây ra cho sức khỏe của bạn.

ngu

Ảnh minh họa.

Ảnh hưởng đến thị lực

Để đèn sáng khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ cận thị lên gấp đôi, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Võng mạc của trẻ khá nhạy cảm nên việc để ánh sáng quá lớn sẽ khiến mắt bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do ánh sáng vào ban đêm, đồng tử không thể thư giãn hoàn toàn suốt đêm, điều này làm suy giảm thị lực.

Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng đèn khi ngủ, hãy dùng các loại bóng đèn công suất thấp vào buổi tối để giúp mắt có thể được nghỉ ngơi trong các chu trình ngủ.

Ức chế bài tiết melatonin, ảnh hưởng đến nhịp sinh học

Cơ thể con người sẽ tiết ra một lượng lớn melatonin (một hormone được sản xuất bởi tuyến tùng ở não giúp điều chỉnh nhịp sinh học) trong môi trường tối. Melatonin có thể ức chế thần kinh hưng phấn, hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim, giúp tim nghỉ ngơi, tiêu trừ mệt mỏi, thậm chí tiêu diệt tế bào ung thư.

Môi trường ánh sáng (thậm chí là ánh sáng yếu) sẽ ức chế cơ thể tiết melatonin, dẫn đến chất lượng giấc ngủ bị giảm sút và cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ.

Ngoài ra, sản sinh đủ lượng melatonin giúp duy trì nhịp sinh học bình thường của cơ thể con người. Việc nhịp sinh học được duy trì ổn định giúp hoạt động của hệ thống nội tiết, hệ thống miễn dịch và hệ thống trao đổi chất được ổn định. Điều này tác động tích cực đến tâm trạng và giấc ngủ của mỗi người.

Trong khi đó, nếu nhịp sinh học bị ảnh hưởng có thể dẫn đến sự gia tăng các hành vi tiêu cực đối với sức khỏe, chẳng hạn như uống quá nhiều rượu và hút thuốc quá nhiều.

ngu bat den

Ảnh minh họa.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Ngoài việc ức chế bài tiết melatonin, thói quen bật đèn khi ngủ còn liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường. Theo đó, người già quen ngủ trong môi trường có ánh sáng có xác suất mắc bệnh tiểu đường cao hơn.

Điều này được lý giải là do sau khi con người ngủ trong môi trường có ánh sáng, tình trạng kháng insulin sẽ xuất hiện vào ngày hôm sau, khiến tuyến tụy phải sản xuất nhiều insulin hơn để duy trì ổn định lượng đường trong máu. Theo thời gian, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tăng nguy cơ béo phì

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa JAMA Internal Medicine (Mỹ) với 40.000 phụ nữ cho thấy ngủ dưới nhiều nguồn sáng có cường độ khác nhau có thể dẫn đến tăng cân. Những người ngủ với TV hoặc bật đèn trong phòng có thể dẫn đến tăng cân từ 5kg trở lên so với không bật đèn.

Chính vì vậy, nếu trong trường hợp sợ bóng tối, hoặc thường xuyên thức dậy vào ban đêm và cần đèn ngủ, hãy cố gắng sử dụng ánh sáng ấm không quá chói và tránh ánh sáng xanh.

Theo giadinhonline.vn