Nơi cộng đồng người Hàn - Mỹ sinh sống tại California. Ảnh: SCMP

Kim bị một viên đạn sượt mang tai và may mắn sống sót. Cha cô, một người Mỹ gốc Hàn tên Sang In, 55 tuổi, dùng súng bắn chết vợ, con trai 8 tuổi rồi tự tử. 

Cùng đêm 8/4/2006 đó, một người đàn ông 40 tuổi bắn chết con gái 5 tuổi rồi tự kết liễu đời mình tại nhà riêng sau nhiều tháng thất nghiệp, phải chịu khoản nợ cờ bạc 200.000 USD.

Ngày 2/4, một chủ kinh doanh 54 tuổi nhốt mình và con trai trong xe ô tô riêng, đốt xe tự tử tại trung tâm thành phố Los Angeles. Theo điều tra của cảnh sát, trước đó công việc sản xuất áo phông của ông thất bại, vợ đòi ly dị.  

Cả ba trường hợp tự tử trên đều sống tại phía nam California, nơi có cộng đồng đông đảo người Mỹ gốc Hàn sinh sống.

Định kiến xã hội ăn sâu khiến người Hàn Quốc không chia sẻ cởi mở về khó khăn và các mối lo âu của họ, làm cho tình trạng stress trở nên nghiêm trọng, sức khỏe tâm thần xấu đi. 

Ông Jae Kim, nhân viên công tác xã hội lâm sàng được cấp phép tại Sở sức khỏe tâm thần Los Angeles cho biết tỷ lệ tự tử của người nhập cư Hàn tại Mỹ ở mức cao đáng ngạc nhiênTrong khi tự tử chỉ chiếm 1,3% số trường hợp tử vong của người da trắng tại Mỹ, tỷ lệ này của người Mỹ gốc Hàn lên đến 4,4%. 

"Không nghi ngờ gì, việc phải hòa nhập với cuộc sống mới tại Mỹ là một nguyên nhân khiến những áp lực của người Hàn nhập cư ngày một nghiêm trọng", tờ 10 Magazine của Hàn Quốc viết. Áp lực xã hội nặng nề người Hàn Quốc tự đặt lên mình tăng gấp nhiều lần khi họ phải hòa nhập với môi trường xã hội mới tại Mỹ, bị cô lập, sống thiếu các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là người già.

Một người mẹ cao tuổi Hàn Quốc đã tự tử sau khi gia đình chuyển đến Mỹ sống, bà cho rằng bản thân là một gánh nặng, là nguyên nhân khiến con trai và con dâu cãi vã. 

Nhà văn Jisu Lee, 25 tuổi, cho biết áp lực xã hội đối với người Hàn Quốc là nặng nề. Kỳ vọng của cha mẹ vào con cái rất lớn - một nền giáo dục tốt, công việc lương cao, bạn đời ưng ý, sức khỏe tốt, con cái ngoan ngoãn.  Đạt được tất cả những tiêu chuẩn này, một công dân Hàn Quốc mới được coi là bình thường, nếu không sẽ nhận nhiều điều tiếng, chỉ trích từ xã hội. 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Hàn Quốc vào cuối thế kỷ 20 cũng khiến người dân ngày càng thờ ơ với những khó khăn, đau khổ cá nhân. Theo ông Jae, đức tính hy sinh bản thân, chịu đau khổ trong im lặng, dường như đã ăn sâu vào lối suy nghĩ của người Hàn Quốc và cả người Mỹ gốc Hàn. Chỉ cần người thân hạnh phúc, hài lòng, nhiều người sẵn sàng sống trong đau khổ, dằn vặt, quyết không chia sẻ với ai.

Những người chồng, người cha Hàn Quốc sẽ bị coi là thất bại trong xã hội nếu đề cập đến khó khăn tài chính với vợ con. Nhiều bà mẹ trẻ bị trầm cảm sau sinh cũng không được khuyến khích chia sẻ những vất vả của mình. Các bậc phụ huynh Hàn Quốc thường động viên con mình cố gắng dành thêm thời gian cho việc học thêm dù chúng đã rất căng thẳng với lượng bài vở khổng lồ.

Trái ngược với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, tỷ lệ tự tử ở nữ giới tại Hàn Quốc cao hơn nam giới. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, tỷ lệ bạo lực gia đình cao tại đất nước này tạo nhiều gánh nặng lên tâm lý phụ nữ. Do không được trân trọng và sống một cuộc sống đúng nghĩa, nhiều phụ nữ đã tìm đến cái chết.

Người già Hàn Quốc sống tại Mỹ thường cô đơn vì thiếu các mối quan hệ xã hội. Ảnh: SCMP

Cuộc sống nhiều áp lực, nhưng người Hàn Quốc dường như không quan tâm nhiều đến sức khỏe tâm thần. Bác sĩ tâm lý Yoon Im Kane làm việc tại New York cho biết những bệnh nhân nhập cư Hàn Quốc đến tìm bà làm trị liệu tâm lý rất chần chừ, không cởi mở khi chia sẻ vấn đề họ gặp phải để được tháo gỡ. Sự lưỡng lự này thể hiện rõ rệt hơn những người gốc Hàn và gốc Á nói chung.

Theo bác sĩ, các bệnh nhân này không muốn tìm kiếm hỗ trợ tâm lý bởi lo sợ bị đánh giá là yếu đuối, điên rồ, hoặc sẽ bị đưa vào trại tâm thần để điều trị. Điều này cũng khiến nhiều gia đình Hàn Quốc có người thân tự tử không thể nguôi ngoai nỗi đau. Ngược lại, đa số người Mỹ đều thích có một bác sĩ tâm lý riêng cùng trò chuyện, chia sẻ những căng thẳng hàng ngày. Lối suy nghĩ này không phổ biến trong văn hóa Hàn Quốc.

Rào cản ngôn ngữ cũng gây khó khăn trong việc tìm kiếm hỗ trợ tinh thần. Theo báo cáo năm 2017 của Hiệp hội người Mỹ gốc Á, một số nửa người Hàn Quốc định cư tại New York không thành thạo tiếng Anh, một phần tư không có bảo hiểm sức khỏe.

Song, kỳ thị xã hội là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều người Hàn Quốc không có cơ hội tiếp cận dịch vụ hỗ trợ tâm lý. 

Việc đưa người Hàn Quốc đến gần hơn với các dịch vụ hỗ trợ tâm lý không chỉ đơn giản là cử một bác sĩ tâm lý tới giúp một cộng đồng bất kỳ. Để đạt được điều này cần những chương trình tổng quát hơn, giúp mọi người dần hiểu và chấp nhận khái niệm phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe tinh thần, việc trị liệu tâm lý là một mô hình chăm sóc sức khỏe cơ bản, thay vì chỉ tìm đến khi đã quá muộn. 

Binna, cô gái sống sót trong vụ thảm sát gia đình, đã tham gia chương trình điều trị tâm lý do bang California tổ chức. Cô chia sẻ rất biết ơn vì nhận được sự giúp đỡ, dù ban đầu cô sợ hãi khi tiếp xúc với các nhà điều trị tâm lý, chỉ im lặng rồi khóc. Hiện Binna đã tốt nghiệp đại học, đang làm biên tập viên cho một công ty truyền thông tại Washington.

"Người Hàn Quốc không quen với việc chia sẻ cảm xúc, những khó khăn vất vả của mình, đặc biệt là những thế hệ đi trước, trong đó có bố mẹ tôi," Binna nói. "Ngay cả tôi cũng không biết cách diễn đạt cảm xúc của mình như thế nào. Đây là lý do nhiều người Hàn Quốc dễ bị tổn thương tâm lý."

Theo vnexpress