Bệnh viêm đại tràng co thắt là tình trạng rối loạn chức năng ở đại tràng khiến nhu động ruột co bóp thất thường gây đau dữ dội, nhiều khi có thể sờ thấy cục nổi lên dọc theo khung đại tràng.

Bệnh thường gặp ở những người bị căng thẳng, stress, thói quen ăn uống thất thường,… Khi nội soi không tìm thấy tổn thương thực thể ở đường ruột, Tuy nhiên có triệu chứng là những cơn đau quặn bụng kèm theo hiện tượng rối loạn đại tiện. Bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

1. Triệu chứng rất dễ nhầm với các bệnh tiêu hóa khác

Triệu chứng viêm đại tràng co thắt giống với một số bệnh về đường tiêu hóa nên rất dễ nhầm lẫn. Bệnh thường có các biểu hiện:

- Đau bụng: Xuất hiện cơn đau ở vùng bụng dưới rốn và hai bên mạn sườn. Đôi khi, người bệnh có thể sờ thấy nổi cục cứng ở bụng dưới bên trái.

Đau từ âm ỉ đến quặn thắt, kèm theo hiện tượng đầy hơi, chướng bụng, ợ hơi…; Người bệnh có thể đau sau khi ăn thực phẩm lạ, đồ chua, cay, tái sống, hải sản…; Khi căng thẳng, lo âu thì cơn đau xuất hiện nhiều hơn.

Đa số cơn đau bụng sẽ giảm sau khi xì hơi hoặc đi đại tiện, nhưng cũng có trường hợp người bệnh vừa đi ngoài xong đã xuất hiện cơn đau quặn bụng khác.

Bệnh viêm đại tràng co thắt có nguy hiểm? - Ảnh 2.

Đau bụng do đại tràng co thắt. Ảnh minh hoạ.

- Rối loạn đại tiện: Đi ngoài nhiều lần trong ngày, tiêu chảy xen kẽ với táo bón. Phân đầu rắn, đuôi nát, lẫn chất nhầy kèm theo mùi hôi khó chịu. Người bệnh có cảm giác đi ngoài không hết phân, đi xong vẫn muốn đi tiếp.

- Chướng bụng, đầy hơi: căng bụng, chướng hơi, ợ hơi, nên hay bị nhầm lẫn với bệnh dạ dày.

- Bên cạnh đó, người bệnh có biểu hiện xanh xao, suy nhược, mệt mỏi, đau nhức đầu… có thể kèm theo cảm giác hồi hộp, khó thở, căng thẳng, mất ngủ, tim đập nhanh…

Nội soi hay làm xét nghiệm đều không thấy bất kỳ tổn thương thực thể hoặc cấu trúc bất thường ở thành niêm mạc, chỉ có hình ảnh rối loạn nhu động co bóp của đại tràng.

2. Nguyên nhân gây viêm đại tràng co thắt

- Rối loạn nhu động ruột: co thắt đại tràng diễn ra với cường độ mạnh và kéo dài khiến hệ thống tiêu hóa bị ảnh hưởng gây tiêu chảy, phân sống, lỏng nát…; Các cơn co thắt nhẹ và ngắn khiến phân trở nên cứng và khô, gây nên tình trạng táo bón.

- Ruột nhạy cảm ở mức độ cao: Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hội chứng viêm đại tràng co thắt.

- Căng thẳng, lo âu: tuy không trực tiếp gây nên bệnh viêm đại tràng co thắt nhưng sẽ làm tăng mức độ của triệu chứng bệnh.

- Chế độ ăn uống không khoa học: Ăn các loại thực phẩm không tốt như: đồ uống chứa cồn, các chất kích thích, nước ngọt có ga, đồ ăn nhanh, đồ chiên xào, đồ cay nóng chua …

Ngoài ra, thói quen ăn uống không đúng cách như ăn quá nhanh không nhai kĩ, vừa ăn vừa nói chuyện, bỏ bữa… cũng có thể gây viêm đại tràng co thắt

3. Mức độ nguy hiểm của viêm đại tràng co thắt

Bệnh viêm đại tràng co thắt là bệnh mãn tính tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Khi đau quặn bụng, tiêu chảy, táo bón… kéo dài trong nhiều ngày sẽ khiến người bệnh luôn ở trong trạng thái stress, bất tiện, thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến mất ăn mất ngủ, cơ thể gầy yếu, suy nhược.

Tuy nhiên cần đặc biệt chú ý và đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu bị co thắt đại tràng có dấu hiệu tắc ruột. Các triệu chứng của tắc ruột:

  • Đau bụng hoặc đau bụng dữ dội
  • Buồn nôn; Nôn mửa
  • Không có khả năng đại tiện

Chất lỏng và phân tích tụ trong ruột có thể là một tình trạng đe dọa tính mạng nếu nó không được xử trí kịp thời và đúng cách

4. Phương pháp điều trị viêm đại tràng co thắt

Dùng thuốc

Để điều trị hội chứng ruột kích thích, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: Thuốc chống co thắt, chống táo bón, chống tiêu chảy, thuốc an thần...Trong một số trường hợp cần thiết có thể dùng một số loại kháng sinh đường ruột.

Điều trị co thắt đại tràng là nhằm mục đích giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Cùng với việc sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ việc thay đổi lối sống góp phần quan trọng trong kiểm soát bệnh

Thay đổi lối sống

- Ăn nhiều chất xơ: có thể làm giảm tình trạng phân lỏng hoặc rối loạn nhu động ruột. Bổ sung chất xơ bằng cách ăn trái cây, rau, ngũ cốc, đậu. Giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn. Tránh thức ăn lạ, dễ gây tiêu chảy hay đau bụng.

- Uống đủ nước: Trung bình khoảng 2lít/ngày

- Nên tập cho cơ thể một khung giờ đi tiêu để tạo thói quen đi tiêu đúng giờ và đều đặn.

- Ngưng sử dụng rượu, bia và thuốc lá để giảm triệu chứng co thắt và ngăn ngừa bệnh tái phát

- Tránh stress căng thẳng. Tận dụng thời gian để thư giãn sau khi làm việc mệt mỏi cũng là một biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tốt bệnh.

- Tập thể dục thường xuyên rèn luyện sức khỏe.

Theo suckhoedoisong.vn