Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho hệ thống miễn dịch của bạn – với một số nghiên cứu cho thấy rằng nó thậm chí có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường. Thậm chí chỉ cần 30 phút tập thể dục vừa phải năm lần một tuần là đủ để mang lại lợi ích. Theo Healthline thì dưới đây là những trường hợp bạn có thể và không nên tập thể dục khi bị cảm lạnh:
1. Khi nào thì có thể tập thể dục khi bị cảm lạnh?
Khi bị cảm lạnh, bạn thường cảm thấy mệt mỏi hơn. Cơ thể cũng cần thêm năng lượng để chống lại virus gây cảm lạnh và việc tập thể dục có thể lấy đi một phần năng lượng mà cơ thể đang cần để chống lại nhiễm trùng này. Bạn có thể tập thể dục ở mức độ nhẹ và vừa phải nếu:
- Triệu chứng đang giảm dần
Hầu hết những người bị cảm lạnh thông thường sẽ khỏi bệnh trong vòng 7 - 10 ngày, cụ thể là qua 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn đầu: Sau khi bạn tiếp xúc với virus cảm lạnh, virus sẽ bắt đầu nhân lên trong cơ thể và có thể sẽ mất từ 1 đến 3 ngày để các triệu chứng xuất hiện. Trong giai đoạn này bạn sẽ gặp các triệu chứng nhẹ như mệt mỏi.
+ Giai đoạn hai: Khi cơ thể nhận diện tác nhân xâm nhập là virus gây bệnh sẽ sinh ra phản ứng miễn dịch với các triệu chứng dữ dội hơn như sổ mũi, ho và mệt mỏi (có thể kèm sốt),...
+ Giai đoạn ba: Thông thường các triệu chứng cảm lạnh không kéo dài quá 10 ngày, lúc này các triệu chứng sẽ bắt đầu thuyên giảm và biến mất. Đôi khi ho sau cảm lạnh có thể kéo dài hơn so với các triệu chứng khác.
Nếu bạn đang ở giai đoạn phục hồi sau cảm lạnh và các triệu chứng thực sự không còn gây các ảnh hưởng quá lớn tới sinh hoạt và di chuyển của bạn thì một số bài tập có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu. Lưu ý rằng không nên tập với cường độ cao ngay lập tức, hãy nâng dần cường độ trong khi theo dõi các phản ứng của cơ thể và đừng quên bù nước.
|
|
Cảm lạnh khiến cơ thể khó chịu và thường biến mất sau 7 - 10 ngày (Ảnh: ST) |
- Đau tai
Nếu bạn chỉ bị đau tai và mệt mỏi mức độ nhẹ thì có thể tập thể dục. Lưu ý rằng chất lỏng tích tụ sau tai có thể khiến khả năng giữ thăng bằng của bạn bị ảnh hưởng. Hãy thận trọng khi lựa chọn các hoạt động cần giữ thăng bằng hoặc các hoạt động liên quan tới việc tiếp xúc với chất lỏng bên ngoài như bơi lội.
- Nghẹt mũi
Một phần của việc tập thể dục là duy trì và kiểm soát hơi thở của bạn. Việc này sẽ trở nên khó khăn hơn khi bạn bị nghẹt mũi do cảm lạnh. Tuy nhiên nếu nghẹt mũi là triệu chứng chủ yếu của bạn thì bạn có thể vận động nhẹ nhàng và theo dõi nhịp thở của mình. Nếu cảm thấy khó thở, hãy dừng lại.
Nhưng nhìn chung, tốt nhất là bạn vẫn nên để cơ thể nghỉ ngơi nếu bị ngạt mũi và quay trở lại sau khi triệu chứng này ổn định hơn.
- Đau họng
Thường thì đau họng có thể gây phiền toái trong việc ăn và uống của bạn chứ không ngăn cản việc bạn tập thể dục ở một mức độ nào đó, trừ khi bạn cảm thấy khó chịu và không muốn hoạt động. Lưu ý uống đủ nước thường xuyên khi tập để làm dịu cơn đau họng.
|
|
Nếu bạn bị đau họng và chỉ ảnh hưởng tới việc ăn uống thì tập thể dục cường độ vừa phải là phù hợp (Ảnh: ST) |
2. Khi nào thì không nên tập thể dục khi bị cảm lạnh?
Có một số triệu chứng của cảm lạnh cho thấy tốt hơn hết là bạn nên nghỉ ngơi thay vì tập luyện bởi việc tập thể dục lúc này không mang lại hiệu suất mong muốn và bạn có thể khiến người tập luyện cùng mình (nếu bạn luyện tập trong phòng tập gym) bị ảnh hưởng do lây nhiễm bệnh.
- Sốt
Theo CDC, trong hầu hết các trường hợp thì cảm lạnh không gây sốt. Vì vậy nếu bạn bị sốt khi cảm lạnh thì việc tăng thân nhiệt thông qua việc tập thể dục không phải là một ý kiến hay. Bạn nên ngừng tập thể dục khi bị sốt, kể cả sốt do cảm lạnh hay các bệnh lý khác và quay trở lại tập khi đã hết sốt.
- Ho có đờm
Ho có đờm có thể khiến việc tập luyện bị gián đoạn bởi bạn có thể phải dừng lại trước và sau mỗi cơn ho. Hơn nữa việc tập thể dục khi đang bị ho có thể gia tăng thêm căng thẳng cho tim và phổi - điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng liên quan tới tim. Do đó, tốt nhất bạn nên ngừng tập thể dục khi bị ho và ho có đờm.
- Có các triệu chứng "từ cổ trở xuống"
Theo tờ NYTimes thì việc tập luyện được coi là không an toàn khi bạn bị cảm lạnh và có các triệu chứng từ cổ trở xuống như khó thở, đau bụng, đau dạ dày, trào ngược, đau cơ, mệt mỏi và nôn mửa,... đặc biệt nếu có kèm theo sốt thì có thể là dấu hiệu nhiễm trùng nặng hơn.
Bên cạnh đó, ngay cả khi bạn chỉ bị nghẹt mũi thì các triệu chứng cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn chẳng hạn như viêm phế quản. Vì thế mà bạn cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu khi bị cảm lạnh để có thể thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
3. Những bài tập nào là phù hợp khi bị cảm lạnh?
- Tập các bài tập cường độ cao khi bị cảm lạnh có giúp bạn nhanh phục hồi hơn không?
Có một quan niệm sai lầm về việc tập các bài tập cường độ cao để đổ mồ hôi khi bị cảm lạnh giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi nên nhiều người cố gắng vận động hết mức có thể để loại bỏ virus nhanh hơn. Tuy nhiên không có bằng chứng để chứng minh luận điểm này. Nhất là khi bạn cảm thấy không khỏe thì việc tập thể dục với cường độ nặng có thể khiến các triệu chứng trầm trọng hơn cũng như tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như nhịp tim nhanh bất thường, đau tức ngực hoặc khó thở.
Trong một số ít trường hợp, tập thể dục cường độ cao khi bạn bị ốm hoặc thậm chí ngay khi bạn hồi phục có thể dẫn tới các triệu chứng mới hoặc kéo dài hơn như kiệt sức, đau nhức không rõ nguyên nhân. Các nhà khoa học giả thuyết rằng hiện tượng này tương tự với cách một số người phát triển chứng COVID kéo dài hay hội chứng mệt mỏi mãn tính - có thể phát triển sau một đợt nhiễm trùng cấp tính.
Hơn nữa, theo một báo cáo năm 2017 trên Tạp chí Sinh lý học ứng dụng cho thấy tập thể dục với cường độ cao khi bị ốm có thể tạm thời làm suy giảm hệ miễn dịch - ảnh hưởng tới việc chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng của hệ thống này.
- Bài tập nào là phù hợp khi bị cảm lạnh?
Thay vì việc cố gắng vào những bài tập nặng nhọc thì bạn có thể thư giãn với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng, tập tạ nhẹ, sử dụng các thiết bị tập có tác động thấp như máy hình elip hay đạp xe.
Ngoài ra bạn cần giảm cường độ cũng như thời gian tập luyện cho tới khi cảm thấy tốt hơn. Lưu ý rằng nghẹt mũi và đau tai khi bị cảm lạnh có thể ảnh hưởng tới khả năng giữ thăng bằng nên bạn cần cẩn trọng với các bài tập yoga cần tới sự thăng bằng hay các tư thế lộn ngược.
4. Làm cách nào để tăng tốc độ phục hồi sau khi bị cảm lạnh?
Tin tốt là cảm lạnh thường chỉ kéo dài 7 - 10 ngày và sau đó bạn có thể tập thể dục trở lại nếu các triệu chứng dần biến mất. Điều này có nghĩa là bạn cần chăm sóc bản thân và nghỉ ngơi tốt để hồi phục:
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
- Uống nhiều nước để tránh mất nước
- Rửa tay thường xuyên để tránh mắc hoặc lây truyền các bệnh khác
- Dùng thuốc OTC có thể giúp giảm các triệu chứng như đau nhức, nghẹt mũi, sổ mũi hay ho,...
Nhìn chung, mặc dù hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy tập thể dục khi bị cảm lạnh có thể giúp bạn khỏi bệnh nhanh hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể tập thể dục nếu muốn. Nếu các triệu chứng của bạn chủ yếu ở trên cổ (chẳng hạn như đau tai, sổ mũi hoặc nghẹt mũi) hãy bắt đầu bằng cách tập thể dục với cường độ thấp hơn bình thường để xem cảm giác của bạn như thế nào. Nếu cảm thấy ổn, bạn có thể tăng dần cường độ. Nhưng nếu tập thể dục khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn, hãy nghỉ ngơi. Bạn cũng không nên tập thể dục nếu đang bị sốt, đau cơ hoặc nôn mửa.
Nếu bạn muốn tập thể dục khi đang bị ốm, hãy đảm bảo rằng bạn thật cẩn trọng – đặc biệt nếu bạn tập thể dục trong phòng tập gym. Vì cảm lạnh có tính lây nhiễm nên tốt nhất bạn nên bỏ qua phòng tập thể dục và tập thể dục ngoài trời hoặc ở nhà để tránh lây lan ra cho mọi người xung quanh.
Châu Anh/Nguồn: Healthline, The Conversation