Cơ thể người có khoảng 600 nhóm cơ bắp. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thỉnh thoảng chúng ta lại bị căng cơ. Căng cơ có thể xuất hiện ở hầu hết các cơ bắp trên cơ thể, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Mỹ).
Vận động quá sức trong các hoạt động thường ngày như mang vác vật nặng, chạy hay tập thể dục đều có thể gây căng cơ. Căng cơ đặc trưng với các triệu chứng như đau nhức cơ, sưng đỏ, yếu gân và cơ, đau ngay cả khi không vận động.
Có 3 mức độ căng cơ khác nhau. Cấp độ 1 xảy ra khi chỉ 1 nhóm cơ bị tổn thương và chỉ bị nhé. Số lượng sợi cơ tổn thương không quá 5% nhóm cơ. Cảm giác đau, yếu sức và hạn chế chuyển động chỉ ở mức độ nhẹ.
Căng cơ mức độ 2 sẽ là tổn thương cơ nhiều hơn, sức mạnh cơ và khả năng chuyển động sẽ suy giảm đáng kể. Người mắc có thể mất khoảng 2 tháng mới hồi phục hoàn toàn và quay trở lại tập luyện.
Căng cơ cấp độ 3 là nặng nhất, gây đứt cơ hoặc gân. Các triệu chứng gồm đau dữ dội và ngày càng nghiêm trọng, sưng tấy, bầm tím, mất sức mạnh và khả năng vận động. Những người bị căng cơ mức độ này miêu tả họ đau như thể bị dao đâm vào cơ, kèm theo sưng và viêm.
Khi cơ bị viêm, các tế bào gốc xung quanh vùng cơ bị tổn thương sẽ bắt đầu được kích hoạt và tái tạo thành sợi cơ mới. Tuy nhiên, mô sẹo có khả năng cao sẽ hình thành và ngăn cơ tái tạo hoàn toàn. Điều này sẽ khiến căng cơ tái phát thường xuyên hơn trong tương lai.
Căng cơ mức độ 1 có thể tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp như nghỉ ngơi, chườm đá. Nếu căng cơ mức độ 2 và 3 thì cần đến bác sĩ kiểm tra. Để xác định tình trạng chấn thương, bác sĩ sẽ yêu cầu siêu âm và chụp MRI.
Siêu âm để xác định có chất dịch tích tụ hay không. Chụp MRI sẽ kiểm tra liệu có bị cục máu đông, vết rách hoặc chảy máu bên trong cơ. Tùy tình hình mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Để ngăn ngừa căng cơ, mọi người cần khởi động kỹ trước khi tập thể dục. Tập luyện thường xuyên cũng rất cần thiết vì nhờ có tập luyện, cơ bắp sẽ khỏe và bền bỉ hơn, theo Medical News Today.
Theo Thanh niên