Bị đau họng, uống trà nào mau khỏi?
Cập nhật lúc 10:03, Thứ năm, 29/08/2024 (GMT+7)
Đau họng thường sẽ gây đau đớn và khó chịu, đặc biệt khi nguyên nhân là do cảm cúm. Bên cạnh thuốc, một số biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể giúp cơn đau họng mau khỏi.
Các nguyên nhân thường gặp gây đau họng là do nhiễm vi khuẩn, virus, dị ứng, không khí khô, thậm chí nói to hoặc la hét trong nhiều giờ. Trong đó, đau họng do cảm cúm là nguyên nhân gây đau họng phổ biến nhất, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Để giảm đau họng, mọi người có thể uống các loại trà sau:
Trà gừng
Gừng có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn, nhờ đó trở thành phương thuốc hiệu quả cho chứng đau họng. Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Journal of Ethnopharmacology cho thấy đặc tính giảm viêm đau của gừng đặc biệt hữu ích khi hỗ trợ điều trị đau họng do nhiễm trùng.
Ngoài ra, các dưỡng chất trong gừng cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, rút ngắn thời gian phục hồi bệnh. Để làm trà gừng thì củ gừng cần được gọt vỏ rồi cắt ra thành từng lát nhỏ. Sau đó, cho gừng vào nước sôi và để trong khoảng 10 phút. Trà gừng nên để cho bớt nóng, thêm một ít mật ong, chanh và uống khi còn ấm.
Trà hoa cúc
Cúc La Mã được biết đến với đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Uống trà hoa cúc La Mã hay hít hương thơm tỏa ra từ trà này có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Molecular Medicine Reports chứng minh trà hoa cúc La Mã có thể giúp làm giảm đau họng, giảm viêm và giãn cơ, giúp người bị đau họng cảm thấy thoải mái hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo hãy thêm một ít mật ong vào trà hoa cúc để tăng cường khả năng kháng viêm của trà. Khi cầm ly trà hoa cúc nóng trên tay, hãy hít hơi nước tỏa ra từ trà, sau đó hãy uống.
Trà bạc hà
Bạc hà chứa chất menthol, có tác dụng làm mát và giúp giảm cơn đau họng. Menthol cũng có đặc tính kháng khuẩn và kháng virus. Nghiên cứu được công bố trên chuyên san International Journal of Clinical Practice phát hiện các sản phẩm chứa chất menthol trong bạc hà có tác dụng giảm đau họng và các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Người bệnh có thể uống trà bạc hà hoặc nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà vào nước nóng rồi hít. Ngoài ra, mọi người cần tránh uống trực tiếp tinh dầu bạc hà vì có thể quá nồng và gây kích ứng, theo Healthline.
Theo Thanh niên