Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến. Khi mắc đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

Người mắc đái tháo đường được khuyến cáo hạn chế ăn chất bột đường nhưng không phải kiêng tuyệt đối như nhiều người bị đái tháo đường đang làm. Bởi theo khuyến cáo trong khẩu phần ăn hàng ngày đây là chất bắt buộc phải có.

Người cao tuổi bị đái tháo đường nên ăn gì?

 

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường hoàn toàn không phải kiêng tuyệt đối một loại thực phẩm nào bởi có thể dẫn tới thiếu chất nếu kéo dài và làm giảm chất lượng cuộc sống. Bữa ăn khoa học cho người cao tuổi đái tháo đường cũng nên tuân thủ các nguyên tắc của bữa ăn lành mạnh, đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như glucid, protein, lipid, chất xơ.

bi tieu duong co can kieng tuyet doi chat bot duong hinh anh 1

Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, với người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng cần cá thể hóa để tránh các biến chứng, đặc biệt là hạ đường huyết nếu người bệnh kiêng quá mức.

Không kiêng tuyệt đối chất bột đường

Chất bột đường cung cấp 50-60% tổng năng lượng. Tuy chất bột đường là thành phần chủ yếu gây tăng đường huyết sau ăn, nhưng với người đái tháo đường nói chung và người cao tuổi đái tháo đường nói riêng không phải kiêng tuyệt đối chất bột đường. Chất bột đường là chất rất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, người mắc đái tháo đường nên chọn các loại chất bột đường ít gây tăng đường huyết nhanh sau ăn.

Chất bột đường (glucid) có trong: ngũ cốc, các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, sữa, các sản phẩm từ sữa, rau, củ, quả, đường, mật ong, ...

Chất bột đường cần được kiểm soát trong khẩu phần ăn từng bữa, từng ngày của người cao tuổi đái tháo đường, để không những tránh tăng đường huyết quá mức sau ăn hoặc tránh hạ đường huyết xa bữa ăn, đặc biệt là hạ đường huyết trong đêm.

Tuy nhiên, các khuyến cáo đã chỉ ra rằng: nên cung cấp tối thiểu trong khẩu phần ăn mỗi ngày ≥ 130-150 g chất bột đường (3 lưng bát cơm + 200g trái cây/ ngày) hoặc tùy theo các tình trạng dinh dưỡng và các bệnh cùng mắc cho người cao tuổi đái tháo đường.

Không nên ăn miến thay cơm

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cũng cho biết, miến là một trong những thực phẩm nhiều người mắc bệnh đái tháo đường lựa chọn trong bữa phụ. Người bệnh đái tháo đường thường ăn miến vì nghĩ ăn miến tốt, hạ đường huyết nhưng thực chất chỉ số đường huyết của miến rất cao. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường vào viện cấp cứu vì ăn miến thay cơm.

Theo chuyên gia y tế, thực chất, miến là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và hàm lượng đường cao hơn gạo tẻ. Chỉ số đường huyết của miến là GI=95, hàm lượng đường trong 100g miến là 82,2g. Trong khi đó, chỉ số đường huyết của gạo tẻ là 83, hàm lượng đường trong 100g gạo tẻ là 76,1g.

Nếu ăn cùng 1 khối lượng thì lượng tinh bột cơ thể sẽ hấp thu từ miến cũng nhiều hơn cơm. Nếu ăn 100g miến thì lượng đường huyết của miến là GL = 78; còn gạo tẻ là 63.

BS khuyến cáo chỉ nên ăn một lượng miến vừa phải và kết hợp với thực phẩm khác. Không dùng để thay thế tuyệt đối các thực phẩm bột đường khác. Mỗi tuần, chỉ nên ăn 3 - 4 bữa miến.

Theo BS Nguyễn Trọng Hưng, người mắc bệnh đái tháo đường cần tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả chín ít ngọt, ngũ cốc nguyên hạt….

Chất xơ có nhiều trong rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả tươi ít ngọt. Chất xơ có tác dụng làm kéo dài quá trình tiêu hóa nên giảm tăng đường huyết sau ăn. Mặt khác, chất xơ còn có tác dụng làm đầy dạ dày nên tăng cảm giác no, giảm hấp thu chất béo nên làm giảm lipid máu.

“Nên ăn giảm muối, ăn nhạt bởi chế độ ăn nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Hạn chế các loại thực phẩm có nhiều muối trong quá trình bảo quản hoặc chế biến như nước mắm, cà muối, mỳ tôm, bánh mặn, xúc xích, giò, chả… Nước rất quan trọng đối với quá trình chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể, vì vậy người bệnh nên uống khoảng 1,5-2,5l nước/ngày”- BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết./.

Theo VOV