|
|
Ngủ ngáy to là một trong những dấu hiệu cần lưu tâm. Ảnh minh họa: INT |
Tình trạng ngừng thở tái diễn nhiều lần trong đêm, xảy ra thường xuyên theo thời gian có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Ngưng thở khi ngủ
Anh Trần Thành Trung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, qua tuổi 30, cơ thể bắt đầu tăng cân và thường ngủ ngáy. Điều này khiến anh cảm thấy bất tiện vì ảnh hưởng tới người xung quanh. Thậm chí, vợ chồng anh còn mâu thuẫn với nhau chỉ vì tiếng ồn này. Lâu dần, anh cảm thấy sức khoẻ có giảm sút nên đi đến bệnh viện kiểm tra.
Qua khám tổng quát, anh Trung hỏi thêm bác sĩ về việc ngủ ngáy và được biết biểu hiện này xuất hiện do tình trạng thừa cân béo phì khiến mô vùng họng trở nên kém linh động gây ngủ ngáy.
Cô Lê Thị Thảo, giáo viên Trường Mầm non Tuổi hoa, Hà Nội chia sẻ, qua quá trình chăm sóc và dạy trẻ, có nhiều bé ngủ trưa thường ngủ ngáy. Một số em còn có tiếng ngáy to, rõ rệt. Đối với trẻ nhỏ, giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển trí não và thể chất.
Trẻ ngáy khi ngủ không phải là hiện tượng phổ biến và cũng không phải mọi trường hợp đều nguy hiểm. Tuy nhiên, một số trường hợp ngủ ngáy ở trẻ em cha mẹ không nên chủ quan bởi nó có thể cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe của trẻ.
Theo chuyên gia, việc ngủ ngáy không đơn thuần chỉ là gây phiền toái đến người xung quanh mà tình trạng này còn phản ánh một số vấn đề sức khỏe của người bệnh, như các bệnh tim mạch, đột quỵ, đau đầu, thừa cân, giảm ham muốn tình dục... |
Theo ThS, bác sĩ Nguyễn Thu Hương (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương), ngủ ngáy là hiện tượng một người khi đang ngủ gây ra âm thanh ở đường hô hấp.
Tình trạng này thường là do có luồng khí đi qua vùng hẹp tại họng, mũi hoặc miệng khiến vùng niêm mạc xung quanh rung lên tạo thành tiếng ngáy.
Trên thực tế, việc ngủ ngáy không chỉ là gây phiền toái đến người xung quanh mà tình trạng này còn phản ánh một số vấn đề sức khỏe.
Trẻ em bị ngủ ngáy thường khó đi vào giấc ngủ, do đó làm giảm chất lượng giấc ngủ, như ngủ không say, không sâu, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, do não bị thiếu oxy khi ngủ. Ngủ ngáy ở trẻ em còn có thể gây ra tình trạng ngưng thở lúc ngủ. Trẻ ngủ ngáy cũng sẽ ảnh hưởng đến hình dáng khuôn mặt do miệng thường há ra để hít thở khi ngủ.
Đối với người lớn, khi mắc bệnh ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ, do các phần mềm, cũng như niêm mạc cuống họng làm khí quản bị nghẹt, sẽ dẫn đến phổi và não bị thiếu dưỡng khí. Để quá trình hô hấp diễn ra lại như bình thường, não sẽ phát tín hiệu để làm giãn nở cuống họng, khí quản.
Một người mắc bệnh ngủ ngáy tức là gặp những rối loạn như này, sẽ có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao hơn, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến người bệnh mệt mỏi do não bộ không được nghỉ ngơi hoàn toàn.
Ở mức độ nghiêm trọng, việc thiếu oxy toàn thân sẽ khiến bệnh nhân ngủ không sâu giấc, chất lượng giấc ngủ bị giảm sút, dẫn đến não bộ không được nghỉ ngơi sau cả ngày hoạt động và hệ quả là bệnh nhân mất khả năng tập trung, trở nên mệt mỏi hơn, giảm trí nhớ, dễ ngủ gật vào ban ngày, giảm năng suất lao động và gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh ngủ ngáy cũng có nguy cơ bị các bệnh khác như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, đột quỵ trong lúc ngủ. Ngủ ngáy cũng làm suy giảm khả năng tình dục, ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng.
Tìm nguyên nhân để điều trị
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hương, nguyên nhân chính dẫn tới ngủ ngáy là do không khí lưu thông giữa vùng mũi họng và thanh quản gặp trở ngại. Đây là hậu quả của những yếu tố sau:
Đường hô hấp mũi gặp tắc nghẽn: Do bệnh nhân bị viêm xoang hoặc dị ứng và có những người chỉ ngáy ngủ khi bị nhiễm trùng xoang hay dị ứng mũi. Ngủ ngáy cũng có thể xuất hiện nếu mũi bị polyp, vách ngăn mũi bị lệch làm tắc nghẽn đường thở.
Mô họng quá lớn: Xảy ra chủ yếu ở người béo phì khiến mô mỡ tích tụ ở vùng hầu họng, mô họng to bất thường. Do đó vùng khoảng không giữa thanh quản và hầu họng trở nên hẹp lại gây nên tiếng ngáy. Những trẻ có vòm họng lớn và đang bị viêm amidan cũng gặp hiện tượng ngáy khi ngủ.
Trương lực cơ lưỡi và cổ họng giảm: Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự lão hóa vùng cơ, tác dụng phụ của thuốc ngủ hoặc do say rượu... Sự giãn nở quá mức gây lỏng lẻo các mô liên kết nâng đỡ vùng lưỡi họng và lưỡi sẽ không được giữ ở vị trí ban đầu. Khi ấy lưỡi sẽ bị tụt lại phía sau lấp mất đường thở.
Lưỡi gà: Đây là một tổ chức mô treo phía sau miệng. Nếu nó quá dài sẽ khiến khoảng trống từ họng đến mũi bị thu hẹp lại. Khi rung lên nó sẽ va chạm vào nhau khiến đường thở bị hẹp bớt không gian và gây ra tiếng ngáy khi ngủ.
Dị tật bẩm sinh: Cuống lưỡi to, cổ họng hẹp, cuống họng dài...
Thường uống rượu bia: Cồn có khả năng làm rối loạn và ức chế hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, khiến các cơ vùng cổ bị giãn. Lúc này đường hô hấp có xu hướng đóng lại và đây là yếu tố làm tăng nguy cơ ngủ ngáy.
Hút thuốc lá: Gây viêm họng, khiến các mô dễ bị rung khi thở và đóng đường hô hấp vào ban đêm.
Tư thế ngủ: Những người có thói quen gối đầu quá cao hoặc nằm ngửa cổ khi ngủ rất dễ phát ra tiếng ngáy khi ngủ do tư thế này làm hẹp đường thở.
Theo bác sĩ Trần Thanh Tùng (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y, Hà Nội), ngáy dường như không có biến chứng. Nhưng chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra các vấn đề như thường xuyên thức giấc, mặc dù người ngủ có thể không nhận ra điều đó.
Việc ngủ ngáy gây ngủ nông khiến thức dậy nhiều lần trong đêm cản trở giấc ngủ bình thường khiến bạn ngủ nông nhiều hơn, ngủ sâu ít hơn do đó không đủ để phục hồi về cơ thể và não bộ.
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn trong thời gian dài thường làm tăng huyết áp và có thể khiến tim bạn to hơn, với nguy cơ đau tim và đột quỵ cao hơn. Ngoài ra, đêm ngủ không ngon sẽ khiến bạn buồn ngủ vào ban ngày, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Trần Thanh Tùng thông tin, có một số phương pháp giúp điều trị ngủ ngáy, trong đó có điều trị ngủ ngáy không cần dùng thuốc. Đó là thay đổi tư thế nằm ngủ, thay vì nằm ngửa cổ thì người bệnh có thể tập nằm nghiêng. Bên cạnh đó, cải thiện thể trạng, thể hình bằng cách giảm cân, cai thuốc lá, hạn chế uống rượu bia,...
Đối với một số trường hợp nặng, nếu tình trạng ngáy đi kèm với hiện tượng ngưng thở khi ngủ thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định lựa chọn các phương án điều trị như chỉ định bệnh nhân thở máy hoặc thở oxy áp lực dương liên tục khi ngủ.
Mặc dù phương pháp này đem lại hiệu quả cao nhưng lại gây bất tiện khi người bệnh di chuyển trên ô tô hoặc không ở nơi cư trú. Một số bệnh nhân cũng được sử dụng một loại thiết bị gắn trong miệng. Thiết bị này được gọi là khuôn răng có tác dụng nâng cao vị trí vòm miệng, lưỡi và hàm để không khí có thể đi qua dễ dàng.
“Nếu hai cách trên không khả thi, người bệnh cần được phẫu thuật mở rộng đường họng, cắt amidan, chích cuống lưỡi, cuống họng, cắt ngắn những đoạn mô thừa ở cổ họng để đường hô hấp được thông khí. Nhược điểm của phương pháp này là sẽ khiến bệnh nhân phải chịu đau đớn sau mổ và vết thương lâu lành”, bác sĩ Tùng cho hay.
Cũng theo bác sĩ Tùng, một số thói quen sinh hoạt người bệnh nên áp dụng để giảm tiếng ồn tự thân phát ra khi ngủ. Đó là duy trì mức cân nặng hợp lý bằng cách chăm chỉ tập luyện thể dục, thể thao và có chế độ ăn uống khoa học, ít mỡ; Nằm nghiêng khi ngủ, giữ phần đầu cao hơn phần cổ để thở dễ hơn; Hãy giải quyết dứt điểm những bệnh lý hô hấp gây tắc nghẽn mũi mà bạn đang mắc phải.
Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng thuốc an thần và từ bỏ thói quen uống rượu bia. Bữa tối chỉ nên ăn vừa đủ, không quá no. Đặc biệt không nên ăn thực phẩm được chế biến từ bơ sữa trước khi đi ngủ; Ngủ đủ giấc và đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ; Tăng độ ẩm ở phòng ngủ sẽ giúp cổ họng bạn đỡ bị khô, hạn chế được tình trạng ngủ ngáy.
Theo ThS.BS CKI Trương Trí Tường, khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TPHCM, ngủ ngáy do nhiều nguyên nhân gây ra, hầu hết các nguyên nhân đều có thể giải quyết được. Điều này có nghĩa, ngủ ngáy có thể điều trị khỏi hẳn hoặc cải thiện đáng kể bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, cho đến việc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đường thở trong khi ngủ và phẫu thuật đường thở trên. Đối với trẻ nhỏ, cần theo dõi để nhận ra các biểu hiện bệnh lý và điều trị kịp thời. |
Theo giaoducthoidai