Sỏi đường mật trong gan thường là sỏi sắc tố, với thành phần chính là bilirubin.
Nguyên nhân gây sỏi đường mật trong gan
Nguyên nhân làm phát sinh bệnh chủ yếu là do ký sinh trùng đường ruột chui lên đường mật, mang theo vi khuẩn làm thay đổi khả năng hòa tan của bilirubin, kết hợp trứng và xác giun tạo thành nhân sỏi.
Sự rối loạn chức năng gan như xơ gan, viêm gan do thuốc, viêm gan siêu virus, viêm gan B,… gây mất cân bằng các thành phần trong dịch mật, hoặc giảm vận động đường mật thường gặp ở người béo phì, lười vận động…, cũng là nguyên nhân gây ra sỏi đường mật trong gan.
Triệu chứng sỏi đường mật trong gan
Sỏi đường mật trong gan ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể nhận biết được một số biểu hiện như đầy chướng, chậm tiêu sau ăn.
Khi sỏi gây biến chứng, người bệnh có thể gặp phải một trong ba dấu hiệu điển hình là:
- Cơn đau quặn gan: Thường xuất hiện sau bữa ăn no, đau dữ dội và đột ngột, có thể lan ra vai phải, làm người bệnh khó khăn khi di chuyển, kéo dài từ 15 phút đến vài giờ và có tính chất chu kỳ.
- Sốt cao: Người bệnh thấy sốt cao, có thể rét run kèm theo vã mồ hôi.
- Vàng da: Khi dịch mật bị ứ trệ tại gan, bilirubin (sắc tố mật có màu vàng) thấm vào máu làm da và củng mạc mắt có màu vàng.
Biến chứng nguy hiểm sỏi đường mật trong gan
Sỏi đường mật trong gan thường được phát hiện khi sỏi làm xuất hiện các biến chứng. Bởi bệnh sỏi trong gan thường dễ gây biến chứng hơn so với sỏi tại các vị trí khác trong đường mật.
- Gây nhiễm trùng đường mật: Là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sỏi trong gan. Những cơn sốt cao kèm theo hiện tượng rét run, nhiễm trùng và tắc mật nặng, rối loạn huyết động thường đẩy người bệnh vào tình trạng choáng và mệt.
- Gây viêm gan: Dịch mật bị ứ trệ lâu ngày là điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm gan, chúng cũng có thể tạo thành các ổ mủ, hình thành nên ổ áp xe gan.
- Gây xơ gan: Là biến chứng sau khi gan bị viêm nhiễm, làm tổn thương nhu mô gan không hồi phục. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến xơ gan.
- Ung thư đường mật trong gan: Có khoảng 3 – 10% các trường hợp mắc sỏi gan bị ung thư đường mật trong gan. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, người bệnh thường chỉ sống được vài tháng đến vài năm sau khi phát hiện bệnh.
- Nhiễm trùng huyết: Là biến chứng cấp cứu, đặc biệt nghiêm trọng, nếu không xử lý kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.
Lời khuyên thầy thuốc
Chẩn đoán sỏi đường mật trong gan khó hơn so với sỏi ống mật chủ hoặc sỏi trong túi mật. Để có kết luận chính xác nhất, cũng như tiên lượng được tình trạng bệnh, các bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm.
Điều trị sỏi trong gan khó, bởi vì sỏi thường nằm sâu và rải rác trong gan. Chưa kể đến việc sỏi làm ứ trệ dịch mật, có thể làm chít hẹp đường mật từng đoạn, gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ thuật can thiệp.
Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể, người bệnh có thể được chỉ định:
- Thuốc làm tan sỏi: Hầu hết không có tác dụng với sỏi gan (sỏi sắc tố, thành phần chính bilirubin), bởi vì thuốc chỉ có tác dụng với sỏi cholesterol.
- Nội soi mật tụy ngược dòng: Phương pháp này chỉ thích hợp cho người bệnh sỏi ngoài gan, với sỏi trong gan phương pháp này phải sử dụng thiết bị đắt tiền, tại Việt Nam rất ít cơ sở áp dụng phương pháp này.
- Phẫu thuật mổ mở lấy sỏi hoặc cắt gan: Bệnh nhân phải trải qua một cuộc mổ lớn, sau mổ đau nhiều, hồi phục sau mổ chậm đặc biệt với người cao tuổi.
- Phương pháp tốt nhất được lựa chọn hiện nay là phẫu thuật nội soi lấy sỏi hoặc phẫu thuật nội soi lấy sỏi xuyên gan qua da, là phương pháp can thiệp tối thiểu, bệnh nhân hồi phục nhanh.
Tóm lại: Các biến chứng do sỏi trong gan gây ra đều có tác động xấu đến sức khỏe. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị tích cực sẽ giúp làm giảm các triệu chứng, phòng ngừa ảnh hưởng do sỏi gây ra. Khi có các biểu hiện nghi ngờ, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Theo suckhoedoisong.vn