leftcenterrightdel
 

Chị Trần Thanh Nhàn (29 tuổi, ở Hà Nội) đang mang thai ở tháng thứ 6. Gần đây, chị bị đau vùng bụng trên, lan lên vai phải và lưng. Chị Nhàn cho rằng đó là do mình mang thai và tăng cân khá nhanh, đây cũng là triệu chứng bình thường nên chị Nhàn không đi kiểm tra. 

Đến khi bụng đau nhiều hơn, chị mới đến bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết, chị bị sỏi mật, nếu không xử lý kịp thời có thể bị nhiễm trùng hoặc vỡ túi mật.

Sỏi mật có nhiều triệu chứng nhưng lại dễ bị bỏ qua trong thai kỳ. Chị Nguyễn Thanh Vân (25 tuổi, ở Hải Dương) mang thai ở tháng thứ 4 thì có hiện tượng vàng da và vàng ở phần lòng trắng của mắt. 

Ban đầu, những dấu hiệu này không rõ nét nên không dễ nhận biết. Cho đến khi chị đi khám định kỳ ở lần thứ 5 bác sĩ mới đặt nghi vấn và yêu cầu chị kiểm tra. Lúc này, chị Vân mới được phát hiện bị sỏi mật.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn, Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết, túi mật là một phần của hệ tiêu hóa. Chức năng chính là lưu trữ mật, hỗ trợ hệ thống tiêu hóa phân hủy chất béo. Khi bắt đầu ăn, túi mật sẽ nhận được tín hiệu, bắt đầu co bóp và ép mật được lưu trữ đi qua đường mật. Sau đó, dịch mật đi qua ống mật chủ, vào hệ thống tiêu hóa.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ Lê Huy Tuấn thăm khám cho thai phụ

Sỏi mật hay còn gọi là sỏi túi mật là những tinh thể rắn, được hình thành trong túi mật do sự mất cân bằng các thành phần trong dịch mật. Sỏi có kích thước đa dạng. Những viên sỏi lớn có thể gây tắc nghẽn con đường vận chuyển mật tự nhiên, dẫn đến nhiều vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe.

Nguyên nhân gây sỏi túi mật có thể do dịch mật chứa quá nhiều cholesterol, bilirubin, dịch mật cô đặc, tạo thành sỏi mật. 

Những người có yếu tố nguy cơ bị sỏi mật là người có tiền sử gia đình bị sỏi túi mật, trên 40 tuổi, người bị béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, cholesterol và ít chất xơ, lười vận động, người bị tiểu đường, người mắc bệnh đường ruột, người bị thiếu máu tán huyết hoặc xơ gan, người dùng thuốc để giảm cholesterol khi đang mang thai.

"Đôi khi sỏi mật không gây ra vấn đề hoặc triệu chứng nào, chúng có thể tự biến mất sau khi bạn sinh con. Nhưng cũng có những triệu chứng cần phải nói ngay với bác sĩ để kịp thời xử lý, nhất là trong thai kỳ. Đó là triệu chứng đau liên tục và dữ dội ở phần trên bên phải của bụng. Đặc biệt là sau khi ăn một bữa ăn nhiều chất béo, thai phụ bị đau vùng bụng trên, lan lên vai phải và lưng", bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết.

Theo bác sĩ Sơn, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn do nồng độ estrogen tăng cao. Đồng thời, việc tăng cân và giảm cân nhanh chóng sau khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. 

Tăng estrogen có thể khiến nồng độ cholesterol trong mật tăng đột biến, dẫn đến sự phát triển của sỏi mật. Những phụ nữ dùng thuốc tránh thai hoặc đang điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone cũng có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn vì chúng có chứa estrogen. 

Tùy thuộc vào các triệu chứng và yếu tố nguy cơ, bác sĩ có thể chọn theo dõi hoặc tiến hành cắt bỏ túi mật khi bạn đang mang thai. Để giúp giảm nguy cơ bị sỏi mật khi mang thai, bác sĩ Sơn lưu ý, thai phụ cần đạt được số cân nặng khỏe mạnh. Béo phì là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự phát triển sỏi mật ở phụ nữ mang thai.

Chế độ ăn quá ít chất xơ có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ có thể giữ cho túi mật của bạn và thai nhi khỏe mạnh. Chất béo không bão hòa đơn và chất béo omega-3 giúp ngăn ngừa sỏi mật nhưng thực phẩm giàu chất béo bão hòa có xu hướng thúc đẩy sự hình thành của sỏi mật. 

Đường và các sản phẩm làm từ tinh bột tinh chế như mì ống, bánh quy và khoai tây chiên... sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi mật.

Hoàng Duy