leftcenterrightdel
 Các sáng kiến quốc tế nhằm chống lại dịch bệnh phần lớn đã phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19

Theo báo cáo của Quỹ Toàn cầu chống AIDS, Lao và Sốt rét, năm 2023 các sáng kiến quốc tế của quỹ này nhằm chống lại dịch bệnh phần lớn đã phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn đó do biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề và những xung đột chính trị khiến cho quỹ này khó khăn.

"Điều đó nghĩa là, thế giới có thể sẽ bỏ lỡ mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS, bệnh lao và sốt rét vào năm 2030 nếu không có các bước đi nhanh hơn, tập trung hơn” - ông Peter Sands, Giám đốc điều hành của Quỹ Toàn cầu cho biết.

Theo ông Peter Sands, những năm qua tổ chức này cũng có những mặt tích cực. Ví dụ như năm 2022, có 6,7 triệu người được điều trị bệnh lao ở các quốc gia mà Quỹ Toàn cầu đầu tư, nhiều hơn bao giờ hết và nhiều hơn 1,4 triệu người so với năm 2021.

Quỹ cũng đã giúp 24,5 triệu người điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV và phân phát 220 triệu màn chống muỗi.

"Nhưng việc quay trở lại đúng hướng sau đại dịch đã trở nên khó khăn hơn nhiều do sự kết hợp của các cuộc khủng hoảng, biến đổi khí hậu và xung đột ở nhiều nước. Ví dụ, bệnh sốt rét đang lan rộng đến các vùng cao nguyên của châu Phi, nơi trước đây quá lạnh đối với muỗi mang ký sinh trùng gây bệnh" - ông Peter Sands dẫn chứng.

Báo cáo của Quỹ Toàn cầu chống AIDS, Lao và Sốt rét còn cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt đang khiến các dịch vụ y tế quá tải, khiến người dân phải di cư, gây ra sự gia tăng số ca nhiễm và làm gián đoạn việc điều trị ở nhiều nơi khác nhau. Nhưng ông Sands cho biết vẫn còn hy vọng, một phần nhờ vào các công cụ chẩn đoán và phòng ngừa tiên tiến.

Theo kế hoạch, tuần này, có một cuộc họp cấp cao về bệnh lao tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc và những người ủng hộ hy vọng sẽ tập trung nhiều hơn vào căn bệnh này. 

Theo phụ nữ TPHCM