leftcenterrightdel
Mặt Trời vẫn gay gắt lúc hoàng hôn tại California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Các nước đang phát triển đã đề xuất một quỹ mới của Liên hợp quốc dành ít nhất 100 tỷ USD vào năm 2030 để giải quyết những thiệt hại khó tránh do biến đổi khí hậu, khi các nước chuẩn bị thảo luận về việc nước nào sẽ được hỗ trợ và nước nào sẽ đóng góp cho quỹ tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28).

Các nước sẽ tập trung làm rõ các chi tiết về quỹ khắc phục những thiệt hại và tổn thất do biết đổi khí hậu khi COP28 diễn ra trong các ngày 30/11-12/12 tại Dubai.

Nếu được triển khai, đây sẽ là quỹ đầu tiên của Liên hợp quốc dành cho việc giải quyết thiệt hại do hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng.

Các nước đã nhất trí về quỹ trên vào năm ngoái, nhưng trì hoãn các quyết định khó khăn nhất như nước nào sẽ đóng góp vào quỹ.

Tại một hội nghị của Liên hợp quốc vào năm ngoái, các nước đang phát triển ở châu Phi, Mỹ Latinh, châu Á-Thái Bình Dương và các quốc đảo nhỏ đã đề xuất quỹ khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu nên lên kế hoạch dành ít nhất 100 tỷ USD vào năm 2030.

100 tỷ USD được cho là con số tối thiểu và sẽ hỗ trợ các nước khi những tác động của biến đổi khí hậu vượt khả năng ứng phó.

Chủ tịch Nhóm 46 quốc gia kém phát triển nhất, Diouf Sarr, đã nói tổn thất và thiệt hại không chỉ là về mặt môi trường mà là sự đảo ngược của những nỗ lực phát triển trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, các quyết định tại COP28 cần sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc và đề xuất trên sẽ gây phản ứng từ phía một số nước giàu dự kiến sẽ đóng góp vào quỹ./.

Theo vietnamplus