Ung thư phổi có mấy loại?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào trong mô phổi phát triển không kiểm soát và hình thành khối u, cản trở hoạt động bình thường của phổi.
Nếu không can thiệp kịp thời, ung thư phổi có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Bác sĩ chuyên khoa ung thư Raman Narang tại Ấn Độ cho biết, có hai loại ung thư phổi chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi gồm:
- Đau ngực
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Ho ra máu hoặc nôn ra máu
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Nhiễm trùng phổi thường xuyên
Các triệu chứng ban đầu của ung thư phổi có thể nhẹ và có thể tiến triển chậm thành một vấn đề nghiêm trọng.
Ho kéo dài là một trong những dấu hiệu của ung thư phổi.
Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư phổi?
Cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư phổi là thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống hàng ngày và đảm bảo bạn tuân thủ chúng một cách nghiêm ngặt.
Bỏ thuốc lá
Bỏ thuốc lá là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Trung Quốc cho thấy kiểm soát thuốc lá là một trong những biện pháp lối sống thành công nhất. Nghiên cứu cho thấy việc loại bỏ thuốc lá làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi xuống 91% ở nam giới và 82% ở nữ giới.
Giải thích nguyên nhân, TS. Narang cho biết, huyết áp và nhịp tim giảm chỉ sau 20 phút bạn ngừng hút thuốc. Chỉ sau 12 giờ, nồng độ carbon monoxide trong máu trở lại bình thường. Hầu hết những người bị ho và khó thở trong những tuần đầu tiên sau khi tiếp xúc với thuốc lá sẽ hồi phục trong vòng 9 tháng. Mười năm sau, nguy cơ ung thư phổi của người đó chỉ bằng khoảng một nửa so với người vẫn tiếp tục hút thuốc.
Tránh khói thuốc lá
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20-30%. Người ta cũng phát hiện ra rằng những người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ hít phải các chất và chất độc gây ung thư.
Do đó, bạn cần cố gắng tránh tiếp xúc với khu vực hút thuốc và khuyên những người xung quanh bỏ thuốc lá.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Mặc dù không có chế độ ăn uống cụ thể nào có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, nhưng ăn một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp ích ở một mức độ nào đó.
Tiêu thụ trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, bạn nên ăn những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng lành mạnh khác giúp bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương nhiều hơn.
Tập thể dục thường xuyên
Dữ liệu từ cuốn sách Hoạt động thể chất và ung thư cho thấy tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi ở phụ nữ từ 20-30% và ở nam giới từ 20-50%. Tập thể dục hàng ngày giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm khả năng mắc ung thư phổi. 150 phút hoạt động cường độ mạnh hoặc vừa phải có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh tật.
Bạn có thể thực hiện các bài tập aerobic như đi bộ, chạy hoặc bơi để tăng cường dung tích và sức khỏe cho phổi bởi chúng tác động đến các nhóm cơ lớn, đặc biệt tăng cường sức mạnh cho cơ hoành, cơ hô hấp chính và các cơ liên sườn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện các bài tập ngắt quãng, xen kẽ giữa các bài tập ngắn cường độ cao hơn và cường độ thấp hơn. Chẳng hạn bạn có thể chạy trong một hoặc hai phút sau đó đi bộ chậm trong hai phút và lặp lại chu kỳ này trong khoảng 30 phút.
Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa ung thư phổi.
Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại
Theo TS. Narang, nhiều nghề nghiệp khiến nhân viên tiếp xúc với các chất gây ung thư như khí thải diesel hoặc amiăng nên để phòng ngừa ung thư phổi, bạn cần thực hiện các biện pháp an toàn và sử dụng thiết bị bảo vệ để giảm thiểu tiếp xúc với các chất độc hại này.
Tránh nhiễm HIV
Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) xảy ra khi cơ thể bạn không thể chống lại các tác nhân gây bệnh và làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Nhiễm HIV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Opinions in HIV and AIDS cho thấy nhiễm HIV có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc ung thư phổi. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn xét nghiệm HIV thường xuyên và sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.
Theo suckhoedoisong.vn