Ước tính Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó 1 triệu trẻ em bị thiếu vitamin A, gần 1/3 trẻ bị thiếu máu và hơn 2/3 trường hợp bị thiếu kẽm.
Chương trình giáo dục dinh dưỡng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng hợp lý và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng được triển khai trong nhiều năm qua, tuy nhiên tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng nói chung và vitamin A nói riêng ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao.
Vẫn còn nhiều trẻ vùng khó khăn bị thiếu vitamin A
Theo ông Lường Văn Quyết – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Yên Châu có 80% đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chủ yếu tập trung ở người dân tộc Khơ mú và H'Mông.
Thời gian qua, các cán bộ y tế thôn bản đã tích cực đến từng hộ gia đình vận động tuyên truyền các gia đình cho con đi uống vitamin A vào những đợt chiến dịch cao điểm, hoặc hướng dẫn người dân cách nuôi dưỡng, chế biến món ăn để bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Kết quả cũng có những tiến triển song vẫn còn chậm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng so với mặt bằng chung ở các huyện khác trong tỉnh vẫn ở mức cao.
"Hiện nay tỷ lệ suy dinh dưỡng nói chung là 37%, các xã vùng 3, dân tộc thiểu số nhiều khi đến từng nhà vận động cho các em uống vitamin A còn gặp khó khăn", ông Lường Văn Quyết thông tin.
Ưu tiên bổ sung vitamin A cho trẻ em tại 22 tỉnh miền núi
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ở những vùng nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi tỷ lệ thiếu hụt vitamin A huyết thanh còn khá cao. Cụ thể, vùng nông thôn là khoảng 13% và vùng nông thôn miền núi khoảng 14%, cao hơn khá nhiều so với ngưỡng thiếu vitamin A có ý nghĩa đối với sức khỏe cộng đồng.
Trong Ngày vi chất dinh dưỡng 1-2/6 năm nay, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ trên quy mô toàn quốc, trong đó tại 22 tỉnh miền núi khó khăn mỗi trẻ từ 6-59 tháng được uống 1 liều vitamin A, trẻ từ 24 đến 59 tháng được tẩy giun định kỳ. Tại 41 tỉnh, thành phố còn lại trẻ em từ 6-35 tháng tuổi được uống 1 liều vitamin A.
Cùng với chiến dịch bổ sung vitamin A định kỳ hằng năm, theo ông Đinh Anh Tuấn Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, để giải quyết tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng nói chung, trong đó có thiếu vitamin A, giải pháp căn bản nhất là phải xóa đói giảm nghèo ở những vùng khó khăn.
"Tuy nhiên không thể chờ đến lúc hết nghèo thì mới chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, trong lúc này phải tập trung làm tốt công tác truyền thông, không chỉ truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn phải đi vào từng gia đình, hướng dẫn các bà mẹ, người chăm sóc trẻ cách chăm sóc dinh dưỡng, chế biến thức ăn cho trẻ như thế nào, đảm bảo đa dạng hóa thực phẩm ra làm sao, đảm bảo đủ các khoáng chất và vi chất như thế nào" – ông Tuấn nhấn mạnh.
Song song với hoạt động truyền thông hướng dẫn thực hành dinh dưỡng và tẩy giun định kỳ cho trẻ, cần hướng dẫn xây dựng an ninh lương thực hộ gia đình và tiếp tục giải pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm.
Theo suckhoedoisong.vn