"Bụi siêu mịn" tấn công cư dân sống gần sân bay
Cập nhật lúc 17:15, Thứ năm, 25/07/2024 (GMT+7)
Hàng chục triệu người dân châu Âu sinh sống cạnh khu vực sân bay đang phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe do hít "bụi siêu mịn" thải ra từ máy bay hàng ngày.
|
|
"Bụi siêu mịn" thải ra từ máy bay có thể gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe cho con người - Ảnh: DPA |
Kết quả một nghiên cứu được công bố cuối tháng 6/2024 bởi Transport & Environment (T&E) - viện nghiên cứu hàng đầu châu Âu về năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông - cho thấy, có khoảng 52 triệu người sống ở khu vực gần 32 sân bay lớn châu Âu đang phải tiếp xúc hàng ngày với "bụi siêu mịn" (UFP) thải ra từ máy bay, khiến họ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo đó, bụi siêu mịn có kích thước đường kính dưới 100 nanomet - nhỏ hơn khoảng 1.000 lần so với sợi tóc người. Chúng có thể thâm nhập sâu vào cơ thể con người, được tìm thấy trong máu, não và thậm chí nhau thai của thai phụ.
Hãng thông tấn Đức DPA trích dẫn báo cáo đưa ra những con số đáng lo ngại: 280.000 trường hợp bệnh nhân cao huyết áp, 330.000 trường hợp bệnh nhân tiểu đường và 18.000 trường hợp bệnh nhân mất trí nhớ ở châu Âu "có liên quan đến tình trạng phơi nhiễm hạt siêu mịn".
Bên cạnh đó, khoảng 6 triệu người (khoảng 9% dân số nước Anh) sống trong bán kính 20km từ sân bay London Gatwick, Stansted, Heathrow và Manchester đang phải hít thở trung bình từ 3.000 đến 10.000 hạt bụi siêu mịn thải ra từ những "con chim sắt" khổng lồ này.
Nghiên cứu cho biết, việc sử dụng nhiên liệu máy bay “chất lượng tốt hơn” có thể làm giảm tỉ lệ sản sinh bụi siêu mịn lên đến 70%. Tuy nhiên, ngành hàng không tỏ ra chưa mặn mà với giải pháp này "vì quá tốn kém về chi phí".
|
|
Tình trạng "bụi siêu mịn" có thể được giải quyết nếu ngành hàng không sử dụng năng lượng sạch thay thế - Ảnh: University of Southern California |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng, bụi siêu mịn là một chất gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chỉ mới nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn trong khoảng 10 năm gần đây, vì vậy, "hiện không có quy định cụ thể về ngưỡng an toàn trong không khí có nhiễm bụi siêu mịn" .
"Sức khỏe của người dân sống gần sân bay từ lâu nay bị ảnh hưởng đáng kể bởi tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Giờ đây, họ phải chịu đựng thêm vấn đề bụi siêu mịn mà chưa có giải pháp nào hữu hiệu để giải quyết" - ông Tim Johnso - Giám đốc Liên đoàn Môi trường Hàng không châu Âu - cảnh báo.
Theo phụ nữ TPHCM