Do ruột và dạ dày là khoang rỗng nên âm thanh phát ra từ hai hệ thống này trong quá trình tiêu hóa thường được ví như âm thanh nước chảy qua đường ống. Trong đó tiếng ọc ọc trong dạ dày hoặc bụng, ruột (ruột non hoặc ruột già) có nhiều nguyên nhân gây ra.
1. Nguyên nhân gây ra tiếng ọc ọc trong dạ dày
Theo Healthline, dưới đây là những nguyên nhân có thể gây ra tiếng bụng sôi mà bạn có thể tham khảo:
- Sự tiêu hóa
Tiếng bụng sôi là dấu hiệu của quá trình tiêu hóa bao gồm việc thức ăn di chuyển, chất lỏng, dịch tiêu hóa và không khí qua ruột. Theo International Foundation for Gastrointestinal Disorders, thức ăn qua ruột dưới tác động của chất lỏng giàu enzyme trong đường tiêu hóa cùng thành mạch co bóp để trộn và ép thức ăn qua ruột được gọi là nhu động ruột và quá trình nhu động ruột có thể phát ra tiếng bụng sôi ọc ọc.
|
|
Tiếng bụng sôi là dấu hiệu của quá trình tiêu hóa thức ăn (Ảnh: ST) |
Tiếng ọc ọc trong bụng có thể xảy ra vài giờ sau khi ăn và thậm chí là vào ban đêm khi bạn chuẩn bị đi ngủ.
- Đói
Không có gì lạ khi tiếng ọc ọc trong dạ dày có thể là biểu hiện của một cơn đói và cơ thể cần được ăn lúc này.
Các nhà khoa học giải thích rằng, khi đói, các chất giống như hormone trong não gọi là ghrelin, hormone này gửi tín hiệu tới ruột và dạ dày co bóp và sẽ kích hoạt ham muốn cần ăn. Kết quả là bạn có thể nghe thấy tiếng sôi bụng, thậm chí là tiếng sôi bụng rất to.
- Âm thanh ở bụng (ruột) giảm hoạt động và tăng hoạt động
Âm thanh ở bụng (âm bụng) có thể được phân loại thành 3 dạng là âm bụng bình thường, âm bụng giảm hoạt động và âm bụng tăng hoạt.
|
|
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà điều trị khi bụng có tiếng sôi cũng có sự khác biệt (Ảnh: ST) |
+ Âm bụng giảm hoạt động
Âm thanh ở bụng (ruột) giảm hoạt động thường thấy khi ngủ ban đêm hoặc khi sử dụng thuốc có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa và đào thải chẳng hạn như codeine; người vừa mới gây mê toàn thân; vừa chiếu xạ bụng; người làm thủ thuật gây tê tủy sống như gây tê ngoài màng cứng; thực hiện phẫu thuật vùng bụng;...
Đôi khi âm bụng giảm hoạt động có thể gây ra táo bón do hệ tiêu hóa bị chậm lại.
+ Âm bụng tăng hoạt
Âm thanh ở bụng (ruột) tăng hoạt được mô tả là một tiếng sôi bụng hay tiếng ọc ọc ở dạ dày lớn hơn bình thường. Ngoài nguyên nhân sau khi ăn (tiếng sôi bụng do tiêu hóa) thì âm thanh bụng tăng hoạt còn có thể xảy ra khi một người bị tiêu chảy.
Điều quan trọng là âm bụng tăng hoạt thường xuyên có thể chỉ ra một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn cần được can thiệp y tế như: Bệnh Crohn, hội chứng không dung nạp thực phẩm, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột truyền nhiễm hoặc hội chứng dạ dày rỗng (thường gặp ở người có dạ dày bị cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ khiến thức ăn di chuyển rất nhanh từ dạ dày xuống ruột non).
|
|
Âm thanh ở bụng (ruột) tăng hoạt được mô tả là một tiếng sôi bụng hay tiếng ọc ọc ở dạ dày lớn hơn bình thường (Ảnh: ST) |
2. Tiếng sôi bụng khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Để chấn đoán nguyên nhân gây ra tiếng ọc ọc trong dạ dày, bác sĩ sẽ nói chuyện về tiền sử bệnh lý gia đình, tần suất xuất hiện của tiếng ồn này cũng như điều gì khiến tiếng sôi bụng to/nhỏ đi, có các triệu chứng nào kèm theo hay không,...
Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác để hỗ trợ việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân như: Xét nghiệm máu, nội soi, chụp CT, tia X,...
Như đã nói, tiếng ọc ọc trong dạ dày hay tiếng bụng sôi xuất hiện thỉnh thoảng có thể là dấu hiệu hệ tiêu hóa hoạt động. Nhưng nếu âm bụng tăng hoạt hoặc giảm hoạt động thường xuyên cùng các triệu chứng bất thường như:
- Âm bụng nghe cao vút lên.
- Đầy hơi.
- Sốt.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Tiêu chảy liên tục.
- Táo bón.
- Phân lẫn máu.
- Ợ nóng không đáp ứng với thuốc không kê đơn.
- Giảm cân đột ngột không chủ ý.
- Cảm giác chướng bụng.
|
|
Nếu âm bụng tăng hoạt hoặc giảm hoạt động thường xuyên cùng các triệu chứng bất thường thì cần phải thăm khám sớm (Ảnh: ST) |
Những triệu chứng này có thể liên quan tới một tình trạng y tế cần được chăm sóc kịp thời bao gồm:
- Liệt ruột: Hiện tượng ứ đọng thức ăn, nước uống, dịch và khí trong đường tiêu hóa do cơ trơn ruột mất sự co bóp thường gặp sau phẫu thuật và tự khỏi sau 2 - 3 ngày. Nhưng liệt ruột cũng là nguyên nhân gây tắc ruột sau mổ nên nếu không được can thiệp sớm có thể gây thủng ruột dẫn tới nhiễm trùng, hoại tử ruột, viêm phúc mạc,... thậm chí là mất mạng.
Liệt ruột khiến người bệnh bị giảm hoặc mất nhu động ruột, không đại tiện được, bụng ấn vào thấy mềm hoặc phình to, đau quặn bụng, chướng bụng, chán ăn, buồn nôn và nôn mửa, khi nôn sẽ thấy chất nôn giống như phân.
- Tắc nghẽn mạch máu khiến ruột không nhận được lưu lượng máu thích hợp.
- Tắc ruột: Là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn ruột non hay ruột già do thức ăn rắn và chất lỏng. Tắc ruột gây ra âm thanh ở ruột rất lớn có thể nghe thấy ngay mà không cần dùng tới ống nghe y tế cùng với bụng đau dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, co thắt bụng, không thể xì hơi (đánh rắm) gây chướng bụng và khó chịu nói chung. Ruột bị tắc có thể gây nên các biến chứng như mất nước, rối loạn cân bằng điện giải, vỡ ruột, suy thận, nhiễm trùng máu, viêm phúc mạc,
Mức độ nghiêm trọng của bệnh tắc ruột phụ thuộc vào phân loại, độ tuổi, bệnh nền và thời gian phát hiện. Trường hợp tắc ruột cơ học hoàn toàn mà không được can thiệp y tế kịp thời, tỷ lệ mất mạng là rất cao.
Điều trị tiếng ọc ọc ở bụng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra là gì. Có một số thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp hạn chế tiếng sôi ở bụng, chẳng hạn: Hạn chế các loại thức ăn và đồ uống có thể gây chướng bụng như nước có gas, chia nhỏ bữa ăn, uống đủ nước, ăn và nhai chậm hơn, đi dạo nhẹ nhàng sau khi ăn, không nhai, uống nước bằng ống hút, cố gắng kiểm soát căng thẳng, bỏ thuốc lá,...
Châu Anh/Nguồn: Healthline, WebMD