Bàn tay sưng tấy là tình trạng ngón tay và/hoặc mu bàn tay trông to hơn bình thường, vùng da sưng có thể căng bóng và có thể có vết lõm khi ấn vào. Một số người có thể cảm thấy ngứa hoặc tê ran ở bàn tay bị sưng. Đôi khi tình trạng sáng ngủ dậy bị sưng tay thường tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên một số lại cần điều trị sớm.
Nguyên nhân sáng ngủ dậy bị sưng tay và cách đối phó
Theo Healthline, dưới đây là những nguyên nhân khiến một người bị sưng tay sau khi ngủ dậy cũng như các biện pháp điều trị. Lưu ý, những thông tin này chỉ có giá trị tham khảo và không thể thay thế cho chẩn đoán và phác đồ chữa trị của bác sĩ.
1. Viêm khớp
Nếu bị viêm khớp, tình trạng này có thể khiến một người bị sưng tay vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Kèm theo các triệu chứng như cứng khớp trong khoảng 1 giờ hoặc lâu hơn vào buổi sáng, sưng đau kéo dài trên 3 ngày hoặc lâu hơn, cơn sưng tấy xuất hiện 3 lần hoặc nhiều hơn trong 1 tháng.
|
|
Viêm khớp có thể khiến một người bị sưng tay vào buổi sáng sau khi ngủ dậy (Ảnh: Internet) |
Các loại viêm khớp đó bao gồm:
- Viêm xương khớp bàn tay: Viêm xương khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp, là một bệnh khớp mạn tính. Bệnh ảnh hưởng tới sụn giữa các khớp, niêm mạc khớp, dây chằng và xương bên dưới khớp. Các sụn bảo vệ khớp nứt vỡ, mòn dần và mất đi theo thời gian.
Ngoài sưng đỏ và cảm giác nóng ran các khớp ở tay thì thoái hóa khớp còn gây ra các cơn cứng khớp, khó khăn khi cầm nắm, xuất hiện các tiếng kêu lục cục tại khớp. Nếu tình trạng thoái hóa nghiêm trọng, hai đầu xương bàn - ngón tay sẽ va vào nhau dẫn tới biến dạng khớp.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một rối loạn tự miễn có thể xảy ra ở bất cứ khớp nào, trong đó có cả bàn tay. Tình trạng xuất hiện do tổn thương hình thành từ màng hoạt dịch của khớp, phổ biến từ độ tuổi trung niên. Bệnh thường gây ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trong cơ thể, chẳng hạn như cả hai tay, hai cổ tay hoặc hai đầu gối.
Viêm khớp dạng thấp có thể khiến sáng ngủ dậy bị sưng tay, cứng khớp buổi sáng sau một thời gian không hoạt động. Ở giai đoạn nghiêm trọng, viêm khớp dạng thấp có thể gây tổn thương sụn khớp, xương dẫn tới biến dạng hoặc dính khớp.
- Thoái hóa đốt sống cổ: Hay còn gọi là thoái hóa cột sống cổ, là một tình trạng thoái hóa tự nhiên liên quan tới tuổi của sụn, đĩa đệm, dây chằng và xương ở cột sống cổ. Theo thời gian sẽ đến đau cổ, nhất là khi cử động vùng cổ, cứng khớp cùng các triệu chứng khác.
Trong đó, cơn đau có thể lan rộng lên đầu, trán hoặc lan xuống bả vai, cánh tay. Một số trường hợp báo cáo bị mất cảm giác sâu của tay và bàn tay.
Điều trị
Điều trị viêm xương khớp thường tập trung vào việc giảm nhẹ các triệu chứng và tăng cường chức năng khớp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định vật lý trị liệu để cải thiện phạm vi chuyển động và sức mạnh của khớp bàn tay.
Thuốc điều trị viêm khớp phụ thuộc vào từng loại viêm, đó có thể là thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid như ibuprogen và naproxen.
|
|
Sưng tay khiến việc cử động, cầm nắm bị khó khăn (Ảnh: Internet) |
2. Mang thai
Khi mang thai tử cung của mở rộng về kích thước làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch của nửa dưới cơ thể, làm co lại lưu lượng máu đến tim. Điều này cũng dẫn đến việc giữ nước trong tĩnh mạch. Một số thay đổi nội tiết tố nhất định cũng góp phần vào việc làm phù nề chân, tay, mắt cá chân, bàn chân.
Do đó mà nhiều bà bầu cảm thấy sáng ngủ dậy bị sưng tay hoặc sưng nề tăng lên nhiều hơn khi càng về cuối thai kỳ.
Đối phó
Thông thường, sẽ không có gì đáng lo ngại nếu mang thai bị sưng tay vào buổi sáng nhưng bà bầu nên trao đổi thêm với bác sĩ vì sưng phù tay chân có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng ống cổ tay, huyết áp cao, tiền sản giật, huyết khối tĩnh mạch sâu... hoặc kèm theo các triệu chứng khác như chóng mặt, buồn nôn, không cử động được tay chân bình thường, co cơ liên tục.
3. Xơ cứng bì
Xơ cứng bì là một bệnh tự miễn mạn tính có ảnh hưởng tới da, mô liên kết cùng cơ quan nội tạng. Một trong những triệu chứng điển hình đầu tiên của bệnh xơ cứng bì là sáng ngủ dậy bị sưng tay kèm đau nhức.
Ngoài triệu chứng này, người bệnh có thể có các mảng da trơn bóng ở mặt và tay do các mô dày và cứng; ngón tay và ngón chân có màu đỏ, lạnh; lở loét và đau đầu ngón tay; các đốm đỏ nhỏ trên mặt và ngực do giãn mao mạch; sưng đau khớp; mặt và miệng bị khô; yếu cơ; tiêu chảy; khó thở; ợ nóng; giảm cân không rõ nguyên nhân.
|
|
Xơ cứng bì là một bệnh tự miễn mạn tính có ảnh hưởng tới da, mô liên kết cùng cơ quan nội tạng (Ảnh: Internet) |
Điều trị
Phần lớn bệnh xơ cứng bì ảnh hưởng tới da sẽ tự biến mất sau 2 - 5 năm nhưng nếu ảnh hưởng tới nội tạng sẽ nặng lên theo thời gian. Điều trị bệnh xơ cứng bì có thể dùng thuốc kiểm soát các triệu chứng bệnh và giảm nguy cơ biến chứng hoặc các liệu pháp như vật lý trị liệu, điều trị da bằng liệu pháp ánh sáng, kiểm soát căng thẳng; ăn uống và luyện tập khoa học.
Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định nếu bệnh nghiêm trọng và thường là lựa chọn điều trị cuối cùng.
4. Các vấn đề về thận
Thận có tác dụng giúp lọc và loại bỏ các chất lỏng dư thừa cũng như độc tố ra khỏi cơ thể. Sưng ở tay hoặc chân có thể là kết quả của việc cơ thể bị giữ nước và cho thấy thận đang không hoạt động bình thường.
Nếu thấy chân tay sưng nề kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi bất thường hoặc khó thở, lơ mơ, khó tập trung, tiểu ra máu, tiểu nhiều hơn, hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán sớm. Bệnh thận không được điều trị có thể dẫn tới suy thận, ảnh hưởng tới tính mạng.
5. Chế độ ăn
Chế độ ăn quá nhiều muối vào đêm hôm trước có thể khiến sáng ngủ dậy bị sưng tay do cơ thể giữ lại nhiều natri và nước hơn bình thường. Ngoài tay thì mặt, chân, bàn chân cũng có thể bị phù và sưng nếu có chế độ ăn nhiều muối.
|
|
Tùy từng nguyên nhân dẫn tới sáng ngủ dậy bị sưng tay là gì mà cách đối phó cũng khác nhau (Ảnh: Internet) |
Một số dấu hiệu cảnh báo cơ thể thừa muối khác bao gồm: Luôn cảm thấy khát nước, đau nhức xương, đau đầu dai dẳng, đi tiểu nhiều hơn, nước tiểu có màu vàng đậm. Tiêu thụ quá nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới tim, thận, huyết áp, gan... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Lưu ý rằng, một số thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp như cortisteroid có thể khiến cơ thể giữ muối - hãy trao đổi với bác sĩ về cách đối phó với tác dụng phụ này.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo, mỗi người chỉ nên dùng 5 gam muối/người/ngày, tương đương với khoảng một muỗng cà phê muối mỗi ngày. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đưa ra khuyến nghị thận trọng hơn là 1,5 gam natri mỗi ngày, đặc biệt đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim.
6. Tư thế ngủ
Đối với một số người thì sáng ngủ dậy bị sưng tay có thể do tư thế ngủ nghiêng, khi phần lớn trọng lượng cơ thể dồn lên tay.
Tốt nhất hãy thay đổi tư thế ngủ trong suốt cả đêm.
|
|
Điều quan trọng là chú ý tới tình trạng sưng tay có xảy ra thường xuyên hay không (Ảnh: Internet) |
Nhìn chung, một số nguyên nhân khiến sáng ngủ dậy bị sưng tay có thể dễ dàng khắc phục tại nhà trong khi một vài nguyên nhân khác lại cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Điều quan trọng là chú ý tới tình trạng sưng tay có xảy ra thường xuyên hay không, có kèm theo các triệu chứng khác không, điều gì làm tăng nặng hay giảm nhẹ tình trạng sưng bàn tay và nói rõ với bác sĩ để hỗ trợ chẩn đoán được nhanh chóng hơn.
Các dấu hiệu sưng tay cho thấy cần thăm khám sớm bao gồm: Cơn sưng tấy bàn tay diễn ra theo chu kì, không đáp ứng với các biện pháp điều trị tại nhà; từng có tiền sử bệnh liên quan tới hạch bạch huyết; có tiền sử bệnh thận; đang mang thai; xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng như sốt cao, bàn tay sưng đỏ sờ vào thấy ấm, đau nghiêm trọng không di chuyển tay được.
Châu Anh/Nguồn: Healthline, Medical News Today