Tại sao tập thể dục có thể rèn luyện trí nhớ?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, các hoạt động thể chất hay tập thể dục 10 hoặc 20 phút nhẹ nhàng như đi bộ mỗi ngày cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe nhận thức, cải thiện trí nhớ, cân bằng cảm xúc và khả năng giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, một nguyên cứu mới công bố trên Tạp chí Dịch tễ học & Sức khỏe Cộng đồng tại Mỹ cũng cho thấy những người thực hiện tập luyện cường độ vừa phải và mạnh mẽ có điểm nhận thức cao hơn nhiều so với những người dành phần lớn thời gian để ngồi, ngủ hoặc có lối sống tĩnh tại.
Lý giải điều này, các nhà khoa học cho rằng tâm trí và cơ thể được kết nối với nhau, khi sức khỏe thể chất được rèn luyện cũng làm tăng khả năng phục hồi tinh thần và cảm xúc, làm giảm bớt bồn chồn, lo lắng, căng thẳng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng mức độ hoạt động thể chất khác nhau có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu não và nhận thức nên việc tập thể dục ở mức độ khó hơn có thể kích thích lưu lượng máu đến não và nâng cao khả năng suy nghĩ, ghi nhớ tốt hơn.
Hơn nữa, TS. Steven K. Malin, Trường Y Rutgers Robert Wood Johnson, Mỹ cho biết tập thể dục có thể liên quan đến sự phát triển của não cũng như kích hoạt các cơ xương, giúp giải phóng các hormone giao tiếp với não để tác động đến sức khỏe và chức năng của các tế bào thần kinh, thúc đẩy sự tăng trưởng, tái tạo các tế bào não hỗ trợ trí nhớ và nhận thức.
Tập thể dục làm tăng lưu lượng máu lên não giúp cải thiện trí nhớ.
Các bài tập thể chất tốt nhất cho trí nhớ
Hiện tại, CDC khuyến nghị hầu hết người lớn nên tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Ngoài ra có thể thực hiện những hoạt động sau để nâng cao sức khỏe não bộ:
Khiêu vũ: Bạn có thể tham gia một lớp khiêu vũ hay tập theo một điệu nhảy TikTok đang được lan truyền đều có thể khiến nhịp tim tăng lên, tăng cường lưu lượng máu lên não. Và việc ghi nhớ một vài bước nhảy giúp kết nối giữa tâm trí và cơ thể, từ đó tăng cường trí nhớ.
Squats: Những động tác squats cũng làm tăng nhịp tim, giúp tăng cường khả năng tiếp nhận thông tin và khả năng ghi nhớ.
Đi bộ: Các nhà khoa học cho biết đi bộ rất tốt cho trí nhớ. Bạn có thể đi bộ dạo quanh khu phố và ghi nhớ lộ trình. Khi đã nhớ, bạn có thể thiết lập một lộ trình khác. Việc thay đổi và ghi nhớ này sẽ giúp não liên tục được hoạt động, từ đó giúp cải thiện chức năng não bộ và tăng cường khả năng ghi nhớ.
Sử dụng cầu thang bộ: Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc sắp xếp thời gian để thực hiện các hoạt động thể chất hay tập luyện thì nên thực hiện điều đó trong ngày bằng cách chọn cầu thang bộ thay vì thang máy, tại nhà, ở nơi làm việc hay bất kỳ nơi nào bạn đến.
Nếu bạn muốn thực hiện các hoạt động mạnh mẽ hơn thì có thể thử một số bài tập thể dục giúp tim đập mạnh như:
Bài tập HIIT: Loại bài tập ngắt quãng này sẽ khiến cơ thể đổ mồ hôi và thử thách trí nhớ bằng cách lặp lại một chuỗi các động tác liên hoàn.
Chạy bộ: Theo CDC, chạy bộ khiến tăng nhịp tim và lưu lượng máu, có thể giúp cân bằng cảm xúc cũng như trí nhớ, cải thiện sức khỏe não bộ.
Bơi lội: Các nghiên cứu cho thấy bơi lội giúp cải thiện trí nhớ, chức năng nhận thức và tâm trạng. Ngoài ra, hoạt động này cũng có thể giúp hình thành các kết nối thần kinh mới, có khả năng cải thiện việc học tập, ghi nhớ.
Đạp xe trên đường nghiêng: Tăng cường đạp xe thường xuyên với một số địa hình nghiêng, dù là ở ngoài trời hay trên xe đạp quay khiến tim đập mạnh, tăng cường lưu lượng máu lên não.
Ngoài các bài tập thể dục trên, bạn có thể rèn luyện trí nhớ và thử thách bản thân bằng cách không sử dụng công cụ chỉ đường khi đến nhà bạn hay chơi các trò chơi trí nhớ trên thiết bị di động…
Theo suckhoedoisong.vn