Các dịch vụ y tế trên khắp Ấn Độ bị gián đoạn do bác sỹ đình công
Cập nhật lúc 17:35, Chủ nhật, 18/08/2024 (GMT+7)
Cuộc đình công nhằm phản đối vụ cưỡng bức và sát hại một nữ bác sỹ thực tập 31 tuổi tại một trường y ở thành phố Kolkata hồi đầu tháng đã gây ra gián đoạn nghiêm trọng với các dịch vụ y tế.
|
|
Cuộc đình công kéo dài 24 giờ trên toàn quốc. (Ảnh: AP) |
Các bác sỹ tại Ấn Độ đã tổ chức một cuộc đình công kéo dài 24 giờ trên toàn quốc vào ngày 17/8 để phản đối vụ cưỡng bức và sát hại một nữ bác sỹ thực tập 31 tuổi tại một trường y ở thành phố Kolkata hồi đầu tháng.
Cuộc đình công này đã gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với các dịch vụ y tế trên khắp Ấn Độ.
Ước tính, hơn 1 triệu bác sỹ tham gia đình công, khiến hầu hết các bệnh viện và phòng khám phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân, ngoại trừ các trường hợp cấp cứu. Nhiều cơ sở y tế đã phải huy động nhân viên giảng dạy từ các trường y để xử lý các ca khẩn cấp.
Cuộc đình công này là một trong những đợt đóng cửa dịch vụ y tế lớn nhất ở Ấn Độ trong thời gian gần đây, với sự tham gia của các bệnh viện và phòng khám ở nhiều thành phố lớn như Lucknow, Ahmedabad, Guwahati và Chennai.
Chính phủ Ấn Độ đã kêu gọi các bác sỹ trở lại làm việc vì lợi ích công cộng và hứa sẽ thành lập một ủy ban để đề xuất các biện pháp cải thiện bảo vệ cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA) vẫn chưa kêu gọi ngừng đình công.
IMA kêu gọi tăng cường thêm các biện pháp pháp lý để bảo vệ tốt hơn cho nhân viên y tế khỏi bạo lực. Chủ tịch IMA R V Asokan nhấn mạnh rằng phụ nữ chiếm đa số trong ngành y tế ở Ấn Độ và cần được đảm bảo an toàn.
Vụ án mạng đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên toàn quốc trong giới y tế và sự phẫn nộ của công chúng về bạo lực đối với phụ nữ, gợi nhớ đến phản ứng sau vụ cưỡng bức tập thể và sát hại một nữ sinh viên ở New Delhi năm 2012.
Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI) đã tạm giữ một nghi phạm và đang tiếp tục điều tra, thẩm vấn nhiều sinh viên y khoa và lãnh đạo bệnh viện.
Mặc dù chính phủ Ấn Độ đã đưa ra những thay đổi đối với hệ thống tư pháp hình sự sau vụ cưỡng bức tập thể ở Delhi năm 2012, các nhà vận động cho rằng những thay đổi này vẫn chưa đủ để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ tại quốc gia Nam Á này./.
Theo vietnamplus