Các kỹ sư Pháp làm máy thở chưa tới 1/10 giá thị trường - Ảnh 1.

Máy thở "MakAir" được nghiên cứu sản xuất dưới tầng hầm của một ngân hàng cũ tại TP Nantes, miền tây nước Pháp - Ảnh: AFP

Khung cảnh trông không khác gì một xưởng lắp ráp: một manơcanh bằng nhựa, miệng gắn ống thở, nằm chễm chệ dưới tầng hầm của một tòa nhà tại TP Nantes, chung quanh la liệt nào là máy khoan, chăn đệm và những tấm bảng viết trên đó chi chít các công thức toán học. 

Nơi đây chính là "nhà bảo sanh" của "MakAir" - chiếc máy thở giá rẻ được nghiên cứu thiết kế và chế tạo trong một thời gian nhanh kỷ lục.

Kỹ sư Quentin Adam hồi tưởng những ngày đầu thai nghén dự án này vào giữa tháng 3: "Dựa vào một vài con số thống kê thì tôi nghiệm ra rằng sẽ rất khó khăn và có nhiều áp lực khi thiếu thốn một số trang thiết bị giữa đại dịch này, mà một trong số đó là thiếu máy thở. 

Có những chuyện mà tôi không thể làm để hỗ trợ cộng đồng nhưng rồi suy đi tính lại tôi sực nảy ra ý này: À, chế tạo máy thở là được đấy!".

Các kỹ sư Pháp làm máy thở chưa tới 1/10 giá thị trường - Ảnh 2.

Máy thở "MakAir" được nghiên cứu sản xuất dưới tầng hầm của một ngân hàng cũ tại TP Nantes, miền tây nước Pháp - Ảnh: AFP

Thế rồi,chỉ sau vài cú điện thoại, Quentin Adam liên lạc được nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia y tế vốn cũng đang mong mỏi có nhiều máy thở để có thể cứu sống được thêm nhiều bệnh nhân nặng do COVID-19.

Chẳng bao lâu sau, bên trong "đại bản doanh" của doanh nghiệp khởi nghiệp Crisp tại TP Nantes, những thành viên đầu tiên của nhóm đã thiết kế ra một chiếc hộp nhỏ bằng bìa cáctông rồi ghim vào đó chằng chịt những dây nhợ đủ màu sắc và gắn thêm lên một vài nút bấm nhỏ.

Guồng máy đã được khởi động. Nhóm thiết kế phải chạy đua với thời gian. Nhóm có tên là "Makers for Life" gồm 250 tình nguyện viên, đang tề tựu tại "Palace", vốn là tầng hầm của một ngân hàng cũ.

Giờ nó đã trở thành "ký túc xá" cho nhóm làm việc, nơi máy móc công cụ đặt lẫn lộn giữa các màn hình máy vi tính, không gian tràn ngập tiếng nhạc điện tử và ánh sáng nhân tạo tạo cảm giác nơi đây "lúc nào cũng là 15h chiều".

Và chỉ trong vòng có 3 tuần lễ, chiếc hộp cáctông kia đã trở thành một phiên bản thử nghiệm trông giống như một chiếc thùng máy vi tính cỡ lớn.

Các kỹ sư Pháp làm máy thở chưa tới 1/10 giá thị trường - Ảnh 3.

Máy thở "MakAir" được nghiên cứu sản xuất dưới tầng hầm của một ngân hàng cũ - Ảnh: AFP

Bên trong chiếc "thùng máy" nặng khoảng 20kg này là những bình ắcquy xe máy và cả những chi tiết bộ phận lấy ra từ thiết bị bay không người lái, bởi vì ngay giữa khủng hoảng đại dịch thì nhóm kỹ sư ưu tiên tận dụng mọi nguồn nguyên vật liệu nào đáp ứng được tính năng cần thiết để thiết kế mới nhằm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những cơ sở sản xuất máy thở truyền thống.

Kỹ sư Quentin Adam nhấn mạnh: "Khi chúng tôi tìm ra được một giải pháp nào đó dù không được tối ưu 100% nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận", song cũng phải đáp ứng được những quy chuẩn khắc nghiệt khi kiểm định chất lượng tại Cơ quan an toàn dược phẩm Pháp (ANSM).

Nhóm cũng đã có nhiều phát minh mang tính đột phá để có thể hoàn tất được chiếc máy thở giá rẻ này và đã thử nghiệm thành công trên cơ thể heo.

Đầu tiên họ đã sử dụng kỹ thuật in 3D để "chạy" nhanh công việc, kế tiếp là nhờ đến phần mềm miễn phí (free software) để mọi người đều có thể tham gia một cách dễ dàng.

Các kỹ sư Pháp làm máy thở chưa tới 1/10 giá thị trường - Ảnh 4.

Cấu trúc bên trong chiếc máy thở giá rẻ "MakAir" - Ảnh: Makers for Life

Theo chuyên gia Pierre-Antoine Gourraud - giảng viên Trường Y khoa TP Nantes, máy thở "MakAir" trước hết được ứng dụng phần mềm vi tính rồi mới dựa trên kỹ thuật cơ khí chính xác bởi vì khi quỹ thời gian đang hạn hẹp thì "làm cơ khí chính xác còn phức tạp hơn rất nhiều so với việc kiểm soát và bù trừ những kỹ thuật chưa chính xác bằng ứng dụng phần mềm vi tính".

Về mặt con người, phải nói đây là một tập thể "ăn dầm nằm dề" tất cả cho công việc, họ đã trải qua một quãng thời gian tự cách ly "không giống ai" và rất đáng trân trọng. 

Đơn cử như một nhóm chuyên gia đã phải đi xe buýt đêm xuyên suốt chiều ngang nước Pháp từ miền tây sang miền đông, đến liên lạc với Trung tâm năng lượng nguyên tử (CEA) Grenoble để nhận trang thiết bị và dụng cụ đặc biệt mà CEA Grenoble hỗ trợ cho dự án này.

Dự án máy thở "MakAir" cũng nhận được hỗ trợ tài chính và vật chất hào phóng từ nhiều tổ chức xã hội để có thể bảo đảm giá thành sản xuất một máy chỉ từ khoảng 1.000-1.500 euro, trong khi chi phí sản xuất một máy thở hiện nay có thể dao động từ 10.000 đến 40.000 euro.

Sau khi thử nghiệm trên người, sản phẩm sẽ được sản xuất tại Tập đoàn SEB của Pháp chuyên về các sản phẩm và trang thiết bị điện gia dụng.

Theo tuoitre