Có 3 loại đục thủy tinh thể (TTT), trong đó đục thủy tinh thể người già chiếm đa số, còn lại là đục thủy tinh thể bẩm sinh và đục thủy tinh thể thứ phát sau chấn thương, sau dùng thuốc điều trị một số bệnh lý kéo dài tại mắt hoặc toàn thân.

Có nhiều phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tương ứng với từng tình trạng bệnh cụ thể:

1. Sử dụng kính hỗ trợ trị đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể có thể bắt đầu ở các vị trí khác nhau của thủy tinh thể như đục vỏ, đục nhân, ở trung tâm, ở ngoại biên… nhưng thường gặp nhất là ở vị trí trung tâm.

Trong giai đoạn đầu, ở vị trí đục trung tâm, khi trời nắng hoặc có đèn chiếu trực tiếp từ phía đối diện, đồng tử mắt sẽ phản xạ co nhỏ, người bệnh sẽ thấy chói hoặc mờ hơn bởi vì trung tâm thủy tinh thể bị đục. Ngược lại khi ở trong nhà, khi trời râm mát người mắc sẽ nhìn rõ và thoải mái hơn.

Trong giai đoạn này có thể khắc phục bằng cách đeo kính râm, đậm màu để hạn chế sự co nhỏ của đồng tử, giúp nhìn rõ hơn. Tuy nhiên nó cũng có thể gây bất lợi vì nếu đồng tử giãn to, loại kính sử dụng không có chức năng chống lại tia cực tím thì các loại tia có hại sẽ vào mắt nhiều hơn, gây tổn hại thủy tinh thể và võng mạc.

Các phương pháp điều trị bệnh đục thủy tinh thể- Ảnh 2.

Đục thủy tinh thể là căn bệnh thường gặp ở người già.

Một số bác sĩ còn phối hợp cho bệnh nhân nhỏ thêm thuốc giãn đồng tử với mục đích để người bệnh nhìn qua vùng thủy tinh thể chưa bị đục, thuận tiện hơn khi làm việc và di chuyển ngoài trời. Nhưng điều này chỉ có tác dụng trong một giai đoạn nhất định, khi phần đục tiến triển nhiều hơn thì phương pháp này không còn tác dụng nữa.

Ngoài ra trong giai đoạn mới bắt đầu, những biến đổi của đục thủy tinh thể có thể làm thay đổi độ khúc xạ sẵn có của người bệnh. Vì vậy, nên đo khám và điều chỉnh lại kính đeo cho phù hợp với sự thay đổi mới, hoặc sử dụng kính lúp hỗ trợ trong sinh hoạt và làm việc.

2. Các thuốc hỗ trợ điều trị đục thủy tinh thể

Hiện nay, không có loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm bệnh đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, về nguyên lý, đục thủy tinh thể là diễn tiến của quá trình lão hóa, vì vậy các loại thuốc và vitamin có tác dụng chống oxy hóa được khuyến cáo sử dụng để ngăn ngừa hoặc làm làm chậm quá trình tiến triển của đục thủy tinh thể. Đồng thời có khả năng hỗ trợ sức khỏe mắt, tăng cường thị lực trước và sau khi được phẫu thuật.

Các phương pháp điều trị bệnh đục thủy tinh thể- Ảnh 3.

Đánh giá tình trạng đục thủy tinh thể để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

2.1. Các loại thuốc uống hỗ trợ điều trị đục hủy tinh thể

Vitamin C liều cao: Vitamin C là chất chống oxy hóa đặc biệt cần thiết cho mắt, giúp làm chậm lại quá trình lão hóa của mắt. Các nghiên cứu y khoa đã cho thấy nồng độ của vitamin C bên trong dịch tế bào mắt cao hơn rất nhiều so với các cơ quan khác.

Nhiều kết quả nghiên cứu lâm sàng cũng đã chứng minh, vitamin C có tác dụng làm chậm lại quá trình đục của thủy tinh thể. Một số bệnh nhân đã ghi nhận kết quả sử dụng vitamin C giúp thủy tinh thể không bị đục hoàn toàn. Vì vậy, với những bệnh nhân bị đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu, bác sĩ thường chỉ định sử dụng nhóm thuốc chứa vitamin C liều cao.

Nhóm thuốc vitamin A: Vitamin A là một trong những dưỡng chất quan trọng giúp nuôi dưỡng và bảo vệ mắt (tiền chất là retinol), giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sắc tố ở võng mạc mắt, giúp duy trì thị lực tốt hơn. Ngoài ra, vitamin A còn được biết đến là một chất chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch và làm chậm lại quá trình lão hóa của mắt. Bệnh nhân đục thủy tinh thể sử dụng nhóm thuốc chứa nhiều vitamin A giúp hỗ trợ cải thiện thị lực tốt hơn, tăng cường sức khỏe cho kết giác mạc mắt.

Nhóm thuốc vitamin E: Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng bảo vệ các acid béo trước sự tấn công của các gốc tự do. Mắt chứa nhiều acid béo nên việc bổ sung vitamin E giúp tăng cường sức khỏe thị lực và hạn chế mắc các bệnh về mắt, góp phần tích cực giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa tự nhiên, cũng như làm chậm lại tiến trình phát triển của bệnh lý đục thủy tinh thể. Ngoài ra vitamin E cũng giúp bảo vệ mắt không bị thương tổn bởi những tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.

Hiện nay, không có loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm bệnh đục thủy tinh thể . Phẫu thuật là cách duy nhất để điều trị hiệu quả bệnh đục đục thủy tinh thể.

Lutein và zeaxanthin: Hai hoạt chất này được phát hiện có trong lớp biểu mô sắc tố của võng mạc, giữ vai trò quan trọng trong quá trình quang hóa của mắt. Lutein và zeaxanthin còn có tác dụng hấp thụ và loại bỏ các tác nhân gây hại cho mắt có trong tia cực tím từ mặt trời hay các nguồn ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như: Tivi, máy tính, điện thoại.

Ngoài ra lutein và zeaxanthin cũng thường được các bác sĩ chỉ định cho người bệnh đục thủy tinh thể. ác hoạt chất này sẽ giúp bảo vệ tốt cho mắt, hạn chế tình trạng bệnh lý đục thủy tinh thể gia tăng.

Lưu ý: Mặc dù các loại vitamin nói trên đều có tác dụng tốt cho mắt, giúp ngăn ngừa và làm chậm quá trình lão hóa của mắt nói chung và bệnh đục TTT nói riêng. Tuy nhiên việc sử dụng phải theo chỉ định của bác sĩ, đúng liều lượng, thời gian. Việc dùng liều cao, kéo dài có thể gây một số tác dụng phụ, đôi khi gây ngộ độc cho gan, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, loãng xương, thậm chí teo dây thần kinh thị giác…

2.2. Các thuốc nhỏ mắt trong điều trị đục thủy tinh thể

Hiện nay, chưa có loại thuốc nhỏ mắt nào chính thức điều trị được bệnh đục thủy tinh thể. Tuy nhiên trong thực tế trên thị trường có một số thuốc được sử dụng để làm chậm quá trình lão hóa cũng như tiến triển của bệnh.

Hoạt chất pirenoxin: Thông thường, các protein trong thủy tinh thể ở dạng hòa tan. Trong bệnh lý đục thủy tinh thể, các protein không thể hòa tan do sự biến đổi quá trình chuyển hóa acid amin dưới tác động của các gốc tự do. Hoạt chất pirenoxin có tác dụng ngăn cản sự oxy hóa của các gốc tự do, hạn chế sự biến đổi của các protein thành các protein không tan, cạnh tranh với NADH trong quá trình biến đổi glucose thành sorbitol, là một trong các yếu tố thúc đẩy quá trình đục thủy tinh thể của mắt.

Theo các nghiên cứu lâm sàng, các loại thuốc nhỏ mắt có chứa hoạt chất pirenoxine, có khả năng góp phần làm giảm sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, giúp kéo dài thời gian nhìn thấy của đôi mắt. Vì vậy, thuốc có thể được sử dụng hàng ngày và dùng trong một thời gian dài.

Các phương pháp điều trị bệnh đục thủy tinh thể- Ảnh 4.

Có một số loại thuốc nhỏ mắt giúp làm chậm tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể.

Hoạt chất kali iodid và natri iodid: Hoạt chất iodid dùng toàn thân hay tại chỗ đều làm tăng chuyển hóa trong pha lê thể và có thể trong cả thủy tinh thể. Dung dịch chứa chứa kali iodid và natri iodid được chỉ định chính trong điều trị đục hoặc xuất huyết pha lê thể do tuổi tác, cận thị, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm quanh tĩnh mạch. Mặt khác nó cũng được chỉ định trong điều trị đục thủy tinh thể người già mới khởi phát.

2.3.Các hoạt chất đang trong giai đoạn nghiên cứu

Hiện nay các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn đang cố gắng tìm ra các loại hóa chất tốt nhất để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh đục thủy tinh thể ở người. Các nghiên cứu trên mô nuôi cấy thủy tinh thể của người cho thấy lanosterol làm cho các protein của thủy tinh thể ngừng vón cục. Nó có thể thu nhỏ đáng kể kích thước khoảng đục và cải thiện độ trong suốt của thủy tinh thể. Nghiên cứu đã thực hiện thành công trên động vật và đang nghiên cứu để sử dụng trên người. Những kết quả nghiên cứu bước đầu về latanosterol cho chúng ta hy vọng về một phương pháp điều trị bệnh đục thủy tinh thể an toàn và hiệu quả ở người.

Các hoạt chất chống oxy hóa khác cũng đang được nghiên cứu tích cực trong việc điều trị đục thủy tinh thể như: N-cetylcarnosine, gọi tắt là NAC, axit Rosmarinic... đã được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe mắt và có thể ngăn ngừa hoặc điều trị đục thủy tinh thể ở động vật. Tuy nhiên cũng cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu xem liệu chúng có thể giúp ích cho con người phòng ngừa và điều trị đục thủy tinh thể hay không.

Các phương pháp điều trị bệnh đục thủy tinh thể- Ảnh 5.

Khám và tư vấn cho người già trước khi điều trị đục thủy tinh thể.

3. Phẫu thuật

Cho đến nay phẫu thuật là cách duy nhất để điều trị hiệu quả bệnh đục thủy tinh thể. Trải qua thời gian và sự phát triển của y học, phẫu thuật đục thủy tinh thể đã có các bước tiến vượt bậc, từ phẫu thuật trong bao và đeo kính + 10 sau mổ, đến phẫu thuật ngoài bao đặt thủy tinh thể nhân tạo cứng. Đến nay phương pháp phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm phacoemusification (phaco), đặt thủy tinh thể nhân tạo mềm là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể phổ biến và ưu việt nhất.

Với phẫu thuật Phaco, dưới kính hiển vi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tạo một đường rạch nhỏ khoảng 2,2mm để xé miệng bao trước của thủy tinh thể, sau đó dùng đầu máy phaco với tần số siêu âm từ 20.000 – 40.000/giây để tán nhuyễn nhân thủy tinh thể thành dạng nhũ tương, hút ra ngoài và đặt thủy tinh thể nhân tạo mềm để thay thế.

Ngày nay có nhiều loại thủy tinh thể nhân tạo với các tính năng ưu việt khác nhau như thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu, đa tiêu, kéo dài tiêu cự, thủy tinh thể nhân tạo Toric điều trị loạn thị… để đáp ứng mọi nhu cầu của người bệnh.

Các phương pháp điều trị bệnh đục thủy tinh thể- Ảnh 6.

Cho đến nay, phẫu thuật là cách duy nhất để điều trị hiệu quả bệnh đục đục thủy tinh thể.

- Ưu điểm của kỹ thuật mổ Phaco: Thời gian mổ nhanh, vết mổ nhỏ, thị lực nhanh chóng được hồi phục, ít xảy ra biến chứng, bệnh nhân sớm quay lại cuộc sống bình thường. Nếu được trang bị máy móc thiết bị phù hợp, phẫu thuật viên có kinh nghiệm và bệnh nhân được chuẩn bị chu đáo, thì một ca mổ phaco hiện nay chỉ kéo dài 5-10 phút.

Ngoài ra, việc đo đạc, tính toán công suất và lựa chọn loại thủy tinh thể nhân tạo phù hợp là hết sức quan trọng, giúp cho người bệnh có được chất lượng thị lực cao, phù hợp với tuổi tác, công việc sau mổ và điều kiện kinh tế của gia đình.

- Rủi ro khi phẫu thuật: Mặc dù phaco là phẫu thuật rất an toàn, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra những rủi ro trong một số ít trường hợp như: Rách bao sau, phù vết mổ, loạn dưỡng giác mạc, phù hoàng điểm dạng nang, loạn thị sau mổ, đục bao sau thứ phát, chảy nước mắt do khô mắt và nặng nề nhất là nhiễm trùng gây viêm mủ nội nhãn, làm giảm chất lượng thị giác, kéo dài thời gian nằm viện và cần thêm các kỹ thuật điều trị chuyên sâu.

4. Lưu ý khi điều trị đục thủy tinh thể

Mặc dù phần lớn các trường hợp đục thủy tinh thể là hậu quả của quá trình lão hóa, nhưng các biện pháp phòng ngừa có thể tăng cường thị lực, hạn chế tỷ lệ mắc bệnh hoặc làm chậm quá trình khởi phát hoặc tiến triển của bệnh.

- Chế độ dinh dưỡng: Nên sử dụng các thực phẩm bổ sung các loại vitamin thiết yếu nuôi dưỡng và bảo vệ mắt như A, C, E, kẽm, lutein, zeaxanthin vào các bữa ăn hàng ngày, chúng có trong rau xanh, ngũ cốc, các loại hải sản, trứng sữa… sẽ giúp chống tác hại của các gốc tự do gây tác hại lên mắt, làm chậm quá trình lão hóa.

- Ngăn ngừa các yếu tố có hại cho mắt như đội nón rộng vành, đeo kính râm để hạn chế tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Thay đổi thói quen có hại cho sức khỏe như bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu, tăng cường vận động thể lực, tập thể dục thường xuyên

- Khi có các biểu hiện bất thường tại mắt như nhìn mờ, chói mắt, thay đổi màu sắc, quầng sáng hào quang… phải đi khám mắt. Không tự ý dùng dùng thuốc tại mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không sử dụng các phương pháp chữa bệnh dân gian, thiếu khoa học.

- Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, bệnh toàn thân phải sử dụng corticoid lâu dài, chấn thương mắt, phẫu thuật mắt... cần đi khám kiểm tra mắt định kỳ, ít nhất 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện đục thủy tinh thể và các bệnh mắt khác. Đồng thời tuân thủ hướng dẫn điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

- Khi bị đục thủy tinh thể đến giai đoạn cần phẫu thuật cần tuân thủ phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không phẫu thuật, thủy tinh thể đục quá chín, căng phồng, có thể gây tăng nhãn áp, hoặc vỡ thủy tinh thể gây phản ứng viêm nội nhãn, điều trị lúc này rất khó khăn và kết quả phẫu thuật hạn chế.

Theo suckhoedoisong.vn