Trên trang cá nhân Ng.M với địa chỉ được thể hiện là H.Chương Mỹ (Hà Nội), chia sẻ hình ảnh người phụ nữ trẻ sinh con thuận tự nhiên tại nhà: "Vợ chồng người em trai thân thương đã sinh con thuận tự nhiên tại nhà lúc 4 giờ 30 sáng, con trai 3,3 kg…Cả mẹ và con không một giọt sữa công thức, không một mũi vắc xin".

leftcenterrightdel
 Hình ảnh bà mẹ và em bé nằm bên bánh nhau thai sau sinh được đăng trên tài khoản cá nhân

Tài khoản này còn viết "Đang ước từ nay tất cả các mẹ đều sinh con giống tổ tiên của chúng mình để những đứa trẻ không phải ra đời trong vòng tay những người xa lạ".

Cũng theo tài khoản này, người em trai có vợ sinh con thuận tự nhiên "sẽ có video toàn bộ quá trình trở dạ đến khi sinh gửi chị lan tỏa đến các mẹ chuẩn bị sinh…".

Đăng kèm theo các dòng viết trên trang cá nhân là hình ảnh người mẹ trẻ ôm sơ sinh không mặc quần áo, ngồi trong chiếc thùng gỗ; người mẹ và em bé quấn chăn nằm bên bánh nhau còn tươi màu máu. 

Với thông tin, hình ảnh được đăng, một số người đã rất lo ngại:"Nhảm nhí thật sự, tuyên truyền cái gì vậy. Đứa bé nó tím cả vào rồi, sợ thật đấy".

Tài khoản khác cũng cảnh báo: "Trời phật phù hộ hai mẹ con không làm sao. Chứ giả dụ bị băng huyết hay gì thì liệu có dám lên đây truyền tải cái thiếu khoa học này không? Thật sự chán …". "Câu like bất chấp. Khổ thân em bé. Nhỡ có làm sao thì kêu trời, đổ lỗi cho ai?", một ý kiến bày tỏ.

Về "sinh con thuận tự nhiên", một lãnh đạo của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), cho hay "Sinh con thuận tự nhiên là phản khoa học. Nhưng trước tiên, sinh như vậy rất có thể gây những hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, thậm chí tử vong khi tự sinh con mà không có sự theo dõi, hỗ trợ của cán bộ y tế. Vì quá trình mang thai, chuyển dạ có rất nhiều nguy cơ tai biến sản khoa, nguy hiểm cho mẹ và em bé".

leftcenterrightdel
 Trang cá nhân đăng tải người mẹ trẻ mình trần ôm bé sơ sinh ngồi trong chiếc thùng gỗ

Các bà mẹ mang thai cần được theo dõi sức khỏe trong suốt quá trình mang thai, khi sinh nở để được đánh giá nguy cơ, xử trí kịp thời trong tình huống có tai biến sản khoa.

Hiện, tỷ lệ tử vong mẹ là 46 ca/100.000 trẻ sơ sinh tại Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp hơn 3 lần so với vùng đồng bằng, đô thị do hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, sơ sinh.

Nhiều tai biến sản khoa không thể tiên lượng 

Theo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tai biến sản khoa là điều mà bất kỳ sản phụ nào cũng nguy cơ phải đối mặt, nó có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ và nhiều tình huống không thể tiên lượng trước được, đe dọa tính mạng của cả sản phụ và em bé.

Có 5 tai biến sản khoa thường gặp đó là: băng huyết sau sinh, tiền sản giật, tổn thương tử cung vỡ tử cung, nhiễm trùng hậu sản sau sinh và uốn ván sơ sinh. Tai biến sản khoa có thể xảy ra trong lúc mang thai, chuyển dạ, sảy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản (6 tuần sau sinh), có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và bé.

Trong đó, vỡ tử cung cũng là tai biến có thể gặp ở bà mẹ mang thai. Khi tử cung đang bình thường bị vỡ các lớp cơ từ lớp cơ, thanh mạc, niêm mạc tử cung. Vỡ tử cung có thể xảy ra trong quá trình mang thai và lúc chuyển dạ sinh.

Trong lúc chuyển dạ vỡ tử cung có thể xảy ra do ngôi thai bất thường tiến triển nhanh và chưa kịp xử lý. Hoặc khi sản phụ chuyển dạ kéo dài gây yếu cơ tử cung, hoặc cơn co quá mức gây cường tính khi dùng thuốc tăng co cũng dẫn đến vỡ tử cung.

Ngoài ra, sau sinh, người mẹ có thể bị nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng tử cung, nhiễm trùng huyết.

Với em bé, nguy cơ mắc uốn ván sơ sinh do độc vi tố khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua đường rốn, qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn như: dao, kéo, băng bông. Do đó, các bà mẹ mang thai cần được tiêm vắc xin uốn ván để có miễn dịch cho con.

Theo Thanh niên