|
|
Tiêm vaccine phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Ảnh:Shutterstock. |
Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, bệnh trở nên nặng hơn, gây ho nặng hơn, xuất hiện nhiều đờm dãi. Ho kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, kiệt sức. Cơn ho dai dẳng khiến cho trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người, vì vậy, có thể bị suy hô hấp, tử vong do nghẹt thở.
Trẻ mắc ho gà có biểu hiện gì?
Khi mắc ho gà, trẻ thường có các biểu hiện sau:
- Ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài, sau cơn ho có lúc ngừng thở, tím tái.
- Nôn sau cơn ho, thoạt đầu nôn thức ăn, rồi đến nước dãi trong suốt.
- Thở rít vào sau mỗi cơn ho.
- Sau mỗi cơn ho trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm mồ hôi và thở gấp.
- Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng rất cao từ 15.000 - 50.000/mm³, chủ yếu là tế bào Lympho.
Trẻ bị ho gà có kèm theo một trong các yếu tố sau: trẻ dưới 6 tháng, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng; ăn uống kém, nôn nhiều; cơn ngừng thở kéo dài; co giật; viêm phổi… thì cần chú ý đề phòng trẻ chuyển bệnh nặng.
Chăm sóc trẻ ho gà tại nhà
Với những trường hợp mắc ho gà thể nhẹ (số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường, trong cơn ho không tím mặt) thì có thể cho trẻ ở tại nhà. Chăm sóc trẻ ho gà tại nhà cần lưu ý:
Về chế độ ăn:
- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa do trong giai đoạn bệnh trẻ có biểu hiện biếng ăn và rất dễ rối loạn tiêu hóa.
- Cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày.
- Không được nấu quá loãng, vì như vậy trẻ sẽ không đủ năng lượng cho cơ thể.
- Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, kẽm, sắt như thịt bò, thịt gà, trứng và các loại rau xanh có màu xanh thẩm hoặc đỏ.
Nên tránh các loại thức ăn sau cho trẻ:
- Các thực phẩm ngọt vì những loại thức ăn này sẽ khiến cơn ho ở trẻ nặng hơn.
- Các thực phẩm qua chiên rán sẽ làm cho dạ dày trẻ có cảm giác nặng hơn.
- Các thực phẩm nhiều chất béo làm cho dịch đờm tiết ra nhiều hơn mức bình thường.
Về chế độ nghỉ ngơi và môi trường:
- Đảm bảo môi trường sống tránh chất kích thích như khói thuốc lá, bụi, hóa chất.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh kích thích.
- Trẻ bú mẹ tiếp tục cho bú mẹ bình thường. Trẻ ăn dặm và trẻ lớn cần được ăn lỏng, dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa.
- Vệ sinh thân thể, mũi miệng cho trẻ. Sau mỗi cơn ho, cần vệ sinh sạch đờm ở miệng của trẻ, dùng khăn mềm lau sạch miệng bằng nước muối ấm; có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 9‰. Trẻ lớn cần vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối
- Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác để tránh lây lan bệnh
- Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ (nếu có).
Dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ ho gà
Trẻ mắc ho gà kèm theo một trong các dấu hiệu sau cần được đưa đi khám ngay:
- Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài
- Trẻ thở nhanh/ khó thở
- Ăn kém, nôn chớ nhiều
- Ngủ ít
Tóm lại, ho gà là bệnh dễ lây lan qua đường không khí. Cách tốt nhất phòng bệnh ho gà cho trẻ là tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà hoặc nghi ngờ ho gà. Đồng thời, tiêm vaccine phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Theo lifestyle.znews