1. Nguyên nhân gây nên sẹo rỗ

Sẹo rỗ hình thành do sự tổn thương của viêm nang lông tác động sâu tới trung bì. Các tổn thương này làm đứt gãy liên kết collagen - elastin (ảnh hưởng hệ thống đệm đỡ trong da) không hồi phục, khiến da có những vết sẹo nhỏ, lõm sâu dưới các lớp mô khi da không có khả năng tái tạo lại như bình thường.

Sẹo rỗ được phân thành 3 loại chính:

  • Sẹo rỗ chân đá nhọn.
  • Sẹo rỗ chân vuông.
  • Sẹo rỗ hình lượn sóng.
Cách chăm sóc và điều trị sẹo rỗ - Ảnh 1.

Sẹo rỗ chân đá nhọn (trái), sẹo rỗ chân vuông (giữa) và sẹo rỗ hình lượn sóng (phải).

2. Cách xử lý sẹo rỗ

Lựa chọn phương pháp điều trị sẹo rỗ dựa vào loại sẹo mà người bệnh mắc phải. Do đây là dạng tổn thương da không tự phục hồi nên rất khó điều trị. Quá trình điều trị lâu dài, tái khám và tái chữa nhiều lần mới có thể cho kết quả khả quan. Hơn nữa, điều trị sẹo rỗ cũng khá tốn kém. Người bệnh cần kiên trì điều trị và phải chuẩn bị cả thời gian cũng như tài chính.

Để tránh tai biến khi điều trị, nên lựa chọn những cơ sở uy tín với bác sĩ thẩm mỹ da hoặc chuyên gia thẩm mỹ có tay nghề vững. Nếu sử dụng sai hoặc lạm dụng, vô khuẩn không tốt, có thể dẫn đến tình trạng xấu hơn.

Nguyên nhân gây sẹo rỗ xuất phát từ bên dưới da, nên việc xử lý sẹo rỗ không thể chỉ sử dụng các loại kem bôi thoa thông thường, mà phải có tác dụng từ dưới lớp biểu bì. Sử dụng kem bôi chỉ có tác dụng hỗ trợ xử lý sẹo hoặc trong giai đoạn sẹo mới thì sẽ nhận thấy được hiệu quả của kem bôi rõ rệt.

Trong khi đang xử lý mụn và nhận thấy trên da có dấu hiệu của sẹo thì nên xử lý ngay, như vậy sẽ cải thiện tốt hơn và có thể làm đầy sẹo đến hơn 90% nếu áp dụng đúng phương pháp, đúng sản phẩm đó.

Một số phương pháp giúp hỗ trợ cải thiện sẹo tốt như:

- Đường bôi: Các sản phẩm giúp kích thích tăng sinh collagen, tế bào mới làm đầy sẹo như tretinoin, retinol... kết hợp vitamin C, niacinamide, hyaluronic acid...

Một phương pháp dùng đường bôi để điều trị sẹo lõm dạng nhẹ, đó là lột da hóa học. Đây là biện pháp được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của sẹo rỗ mà chuyên gia da liễu sẽ lựa chọn loại, nồng độ hóa chất phù hợp cho bệnh nhân. Các hóa chất này thường acid glycolic hoặc phenol có công dụng lột da mạnh hơn.

Các chất này sau khi được bôi lên da sẽ phá hủy lớp mô da bị tổn thương, gây bong tróc và kích thích lớp mô mới phát triển nhằm tái tạo biểu bì da. Phương pháp này có tác dụng làm mờ đi vết sẹo rỗ nông, có tác dụng cải thiện làn da sau vài tuần điều trị.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, khô hơn… Vì thế, trong quá trình điều trị nếu không tránh nắng cẩn thận đúng cách, có thể khiến da nám sạm nhiều hơn, thậm chí có trường hợp bị dị ứng nặng với các thành phần của hóa chất.

- Liệu pháp lăn kim: Là phương pháp dùng thiết bị có cắm nhiều kim nhỏ (vi kim), lăn lên da mặt theo nhiều hướng khác nhau. Những kim này sẽ xuyên thủng lớp da có nhiều sẹo rỗ, từ đó giúp hình thành nên lớp collagen mới, tái tạo da và giúp mờ sẹo rỗ.

Khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân sẽ có cảm giác kim châm chích, sau đó da ửng đỏ, bong tróc trong 1 tuần trước khi lớp da mới hình thành.

Tuy đây không phải là phương pháp đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng cần lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín hoặc bệnh viện với người thực hiện có tay nghề cao. Nếu lăn kim ở những cơ sở làm đẹp không uy tín thì nguy cơ bị nhiễm trùng da rất cao nếu tay nghề của người thực hiện kém hoặc vật tư y tế không đảm bảo vệ sinh.

- Tiêm chất làm đầy: Chất làm đầy hay còn gọi là filler được ứng dụng trong điều trị sẹo rỗ, giúp nâng bề mặt sẹo lên bằng với lớp da bình thường xung quanh. Tiêm filler giúp làm đầy và giảm sẹo nhanh chóng. Tuy nhiên hiệu quả chỉ kéo dài khoảng 1-2 năm do filler sẽ tiêu mất dưới da.

Cách chăm sóc và điều trị sẹo rỗ - Ảnh 3.

Tiêm filler điều trị sẹo cần chú ý các biến chứng nguy hiểm.

Khi tiêm filler không đúng kỹ thuật hoặc tiêm filler kém chất lượng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới dây thần kinh dưới da, hoại tử da và cơ quan xung quanh. Do đó nếu lựa chọn phương pháp này, nên đến bệnh viện có đủ kỹ thuật để thực hiện.

- Bấm cắt sẹo: Đây là biện pháp khá hiệu quả trong điều trị sẹo rỗ, đặc biệt là với sẹo rỗ chân đá nhọn. Bác sĩ sẽ dùng một cây kim nhỏ cắt các mô sẹo, sau đó dùng chỉ khâu lại. Nếu kích thước của mô sẹo lớn, bác sĩ sẽ lấy một phần da sau tai để ghép. Phương pháp này có thể khiến sắc tố da không đồng đều sau phẫu thuật.

- Bóc tách sẹo: Phương pháp này có hiệu quả với sẹo rỗ hình lượn sóng, c thể được dùng đơn độc hoặc phối hợp với phương pháp lột da hóa học.

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ giúp nới lỏng vùng mô da xung quanh sẹo rỗ bằng cách đâm kim nhiều lần dưới da theo hướng chuyển động quạt. Phương pháp này nhằm tạo ra vết thương mới để khi lành lại sẽ giúp làm liền vết sẹo.

Cách chăm sóc và điều trị sẹo rỗ - Ảnh 4.

Nếu không điều trị, sẹo rỗ sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

3. Cách hạn chế sẹo rỗ

Đa số các làn da có sẹo rỗ cần điều trị là do hậu quả của tổn thương da sau khi bị mụn trứng cá nặng, viêm nang lông...

Để phòng ngừa thì cần có biện pháp chăm sóc da đúng. Biện pháp quan trọng nhất là xử lý mụn sớm, tránh để tình trạng viêm nặng, mụn bùng phát thì sẹo càng nhiều và càng sâu. Trong quá trình đang trị mụn, hãy thực hiện các cách phòng ngừa và hạn chế sự bùng phát mụn hay hình thành sẹo rỗ:

- Giữ tư tưởng tinh thần thoải mái, sinh hoạt khoa học.

- Không tự ý sử dụng sản phẩm lạ, kém chất lượng... đặc biệt là trong quá trình xử lý mụn vì đây cũng là thời điểm da rất yếu và nhạy cảm.

Điều trị sẹo rỗ là quá trình phức tạp, cần rất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí để thực hiện mà hiệu quả cũng không mang lại 100%. Để kết quả khả hơn nên chú ý những nguyên tắc sau:

- Điều trị sớm nhất có thể: Điều trị ngay khi sẹo mới hình thành, chân sẹo còn non và chưa bị xơ cứng sẽ hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn. Nếu sẹo để lâu, cấu trúc sẹo săn chắc thì sẽ khó xử lý hơn rất nhiều.

- Lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp với từng loại sẹo.

- Tuân thủ đúng theo liệu trình điều trị: Khi mới bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ không tác động quá sâu vào da để tránh nguy cơ da bị tổn thương, nên sẽ không thu được hiệu quả ngay. Bệnh nhân không nên sốt ruột và bỏ điều trị giữa chừng.

Sau khi nắm được tính chất da, tốc độ phục hồi thương tổn, bác sĩ sẽ điều chỉnh kỹ thuật điều trị phù hợp mới đem lại hiệu quả khả quan hơn. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ quy trình chăm sóc và bảo vệ da nghiêm ngặt theo từng phương pháp.

Theo suckhoedoisong.vn