1. Cúm A nguy hiểm với những ai?
BS. Đặng Xuân Thắng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam) cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra như: virus H1N1, H5N1, H7N9... Đa số người bệnh có thể tự khỏi bệnh sau khoảng 7 ngày mà không cần dùng thuốc điều trị.
Một số trường hợp có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém... Những trường hợp này cần đi khám để được dùng thuốc thích hợp.
Các biến chứng của cúm A như: viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan, thậm chí có thể tử vong.
Biểu hiện của người bệnh cúm A thường là: Sốt, ho, đau đầu, mệt mỏi, hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng…
2. Điều trị cúm A tại nhà như thế nào?
Thông thường, với những người khỏe mạnh, trong trường hợp bệnh nhẹ có thể sử dụng thuốc điều trị triệu chứng của cúm A tại nhà:
Các thuốc điều trị cúm A thường là làm giảm triệu chứng của bệnh:
- Thuốc hạ sốt giảm đau không kê đơn: Nếu người bệnh bị đau đầu, đau mình mẩy, sốt cao trên 38 độ C... có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau không kê đơn như acetaminophen (paracetamol), ibuprofen... Liều an toàn nên dùng là 10-15mg/1kg cân nặng, mỗi 4-6 tiếng và không dùng quá 6 lần/1 ngày. Lưu ý, chỉ dùng ibuprofen khi không đáp ứng với paracetamol.
- Bổ sung nước và điện giải: Việc sốt cao, nôn có thể khiến người bệnh cúm A mất nước và mất cân bằng điện giải, khiến gia tăng nguy cơ biến chứng do cúm A. Có thể bổ sung nước và điện giải cho người bệnh bằng dung dịch oresol pha theo đúng hướng dẫn.
Ngoài ra, có thể dùng các thuốc giảm ho, long đờm, thông mũi trong các trường hợp bệnh nhân bị ho, ngạt mũi/sổ mũi.
- Thuốc kháng virus: Thuốc kháng virus chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không tự ý mua dùng các thuốc này.
Ngoài ra, một số cách sau giúp người bệnh cúm A nhanh hồi phục:
- Người bệnh cần nghỉ ngơi và thư giãn để cơ thể có thể nhanh lấy lại sức.
- Tránh tiếp xúc với người thân trong gia đình, nhất là với những người dễ có nguy cơ nhiễm cúm. Trong trường hợp bắt buộc ra khỏi phòng để tắm rửa, vệ sinh, thăm khám bệnh... đeo khẩu trang che kín mũi và miệng để tránh lây lan virus cúm A.
- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp gà để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Uống đủ nước: Cúm có thể gây mất nước nếu có nôn, tiêu chảy, vì vậy, cần bổ sung đủ nước để tránh cơ thể mất nước. Ngoài nước đun sôi để nguội có thể bổ sung các loại nước trái cây... Lưu ý nên tránh đồ uống có chứa caffeine vì các loại nước này có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.
- Bổ sung hoa quả tươi, giàu vitamin C: Khi bị cúm A, người bệnh cần ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C, mọng nước... để giúp cơ thể tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe. Hoa quả nên ăn như cam, bưởi, ổi, dừa, nho, lê...
- Ngủ đủ giấc: Không nên thức quá khuya, cần ngủ đủ giấc để hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Nên ngủ 8 tiếng mỗi đêm.
- Súc miệng nước muối: Nên súc miệng với nước muối ít nhất 2 lần/ ngày để loại bỏ chất nhầy tích tụ phía bên trong cổ họng. Đồng thời có thể giảm nhanh các triệu chứng đau họng, rát họng...
- Có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% để giảm khó chịu ở mũi, giảm ngạt mũi, sổ mũi.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vật dụng trong nhà để phòng lây nhiễm chéo sang người thân.
3. Khi nào cần đến bệnh viện?
BS. Đặng Xuân Thắng khuyến cáo, các trường hợp cần đến khám/trao đổi với bác sĩ:
- Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh.
- Người trên 65 tuổi.
- Người bệnh hen suyễn, khí phế thũng, đái tháo đường, tim mạch.
- Có các triệu chứng nghiêm trọng: Khó thở, thở nhanh, tức ngực, đau bụng, chóng mặt, choáng váng, co giật, nôn/buồn nôn liên tục, sốt/ho không giảm…
- Trẻ có các triệu chứng thở nhanh, khó thở, da xanh, môi nhợt nhạt, mất nước, uống nước ít, nôn nhiều lần, ngủ li bì, mệt mỏi, không chịu chơi, trẻ sốt lại sau khi đã hết sốt…
Theo suckhoedoisong.vn