Mùa thu - mùa của phế hỏa
Nhiều người khi đến mùa thu thường cảm thấy khô miệng, khô cổ họng và ho liên tục, đây chính là biểu hiện điển hình của "thu táo" (khô hanh mùa thu). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do phế hỏa.
Mùa thu theo Đông y là khi táo khí tức khí khô ráo thịnh vượng, tạng phế trong ngũ tạng lại ứng với hành kim, khí táo nên lúc này tạng phế dễ bị ảnh hưởng bởi tà khí bên ngoài, nên dễ xuất hiện phế hỏa, hầu như ai cũng có một chút biểu hiện của phế hỏa.
Muốn thanh phế hỏa chúng ta không thể hành động vội vàng, vì theo Đông y, phế hỏa có hai loại: Hư hỏa và thực hỏa, cần được điều trị bằng những phương pháp khác nhau.
Nếu ho ra đờm vàng, đau họng, khát nước, táo bón, và thích ăn đồ mát, thì đó là biểu hiện của phế thực hỏa, phế có thực hỏa còn có thể kèm theo sốt, viêm họng, nước tiểu vàng, nhiệt miệng.
Nếu có các triệu chứng như nóng lòng bàn tay, lòng bàn chân, sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi trộm, thì đó là biểu hiện của phế hư hỏa, phế hư hỏa còn có thể kèm theo khô miệng nhiều về đêm, có đờm ít và dính.
Dù là hư hỏa hay thực hỏa, đều có những triệu chứng chung như ho khan ít đờm, khô miệng và khô họng.
Khô cổ họng, khô miệng… là biểu hiện thường gặp do phế hỏa vào mùa thu.
Rau diếp cá - vị thuốc tuyệt vời thanh phế hỏa
Rau diếp cá Đông y gọi với tên ngư tinh thảo, có vị cay, tính hàn, quy vào kinh phế. Diếp cá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng chữa nhọt, lợi tiểu trừ thấp, thanh nhiệt chỉ lỵ, kiện vị tiêu thực, được dùng để điều trị các bệnh liên quan đến nhiệt độc, thấp tà, như phế ung, nhọt sưng, trĩ ra máu, tích nhiệt ở tỳ vị.
Rau diếp cá được biết đến như một loại thuốc kháng viêm tự nhiên, có tác dụng hạ sốt, giảm ho. Một số người bị cảm thường kéo dài không khỏi, ho dai dẳng, do cơ thể còn ứ đọng nhiệt và độc, diếp cá chính là một lựa chọn để chấm dứt tình trạng này.
Ngoài ra, rau diếp cá còn giúp người hút thuốc thanh nhiệt phổi, giải độc từ thuốc lá, ngăn ngừa viêm họng mạn tính, viêm phế quản và thậm chí là ung thư phổi.
Vào mùa thu, rau diếp cá chính là một vị thuốc tự nhiên tuyệt vời đi vào kinh phế, giúp thanh phế hỏa, giải quyết tạm thời các triệu chứng ho khan, khô miệng, khô họng, đặc biệt thích hợp với những người tạng phế có thực hỏa.
Một số cách chế biến rau diếp cá
Ăn rau diếp cá tươi có thể thanh phế hỏa, giảm viêm họng, giảm ho do phế hỏa gây ra. Tuy nhiên do mùi vị đặc biệt của loại rau này nên không phải ai cũng có thể ăn diếp cá sống.
Dưới đây là một số cách chế biến giúp giảm bớt mùi tanh của rau diếp cá mà vẫn giữ được tác dụng thanh phế.
Trà rau diếp cá
Nguyên liệu: 15 - 30 gram rau diếp cá khô (có thể tự làm hoặc mua sẵn tại các tiệm thuốc Đông y).
Cách làm: Đun sôi với lửa lớn, sau khi sôi nấu lửa nhỏ thêm hai phút là được. Hoặc có thể dùng nước sôi pha, đậy nắp kín ủ trong 10 phút rồi uống thay trà. Rau diếp cá khô không nên nấu quá lâu vì các thành phần chống viêm dễ bay hơi. Uống thay nước trong ngày.
Rau diếp cá khô chế thành trà có tác dụng thanh phế, bổ phổi.
Nước rau diếp cá và lê tuyết
Nguyên liệu: Rau diếp cá tươi hoặc khô, lê tuyết.
Cách làm: Trước tiên, nấu rau diếp cá tươi hoặc khô với lượng nước vừa đủ để lấy nước, bỏ bã, sau đó cho vào các miếng lê tuyết cùng với đường trắng hoặc đường phèn, nấu cho đến khi lê mềm nhừ là được.
Cần lưu ý rằng rau diếp cá là một vị thuốc có tính lạnh, người phế không có nhiệt, người tạng hàn, tiêu hóa kém không nên tự ý sử dụng loại rau này.
Người bình thường cũng không nên sử dụng với lượng quá nhiều, trong thời gian quá lâu, nếu không có thể ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, trong quá trình sử dụng nếu thấy xuất hiện các biểu hiện đau bụng, đầy bụng, chán ăn, đi ngoài phân lỏng nát cần dừng lại ngay.
Theo suckhoedoisong.vn