Cách hạn chế nứt gót chân
Cập nhật lúc 09:44, Thứ sáu, 16/06/2023 (GMT+7)
Chứng nứt gót chân là bệnh khá phổ biến. Tuy không nguy hiểm nhưng nứt gót chân gây đau đớn, tạo cảm giác khó chịu, gây, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Vì sao bị nứt gót chân?
Nứt gót chân là phần da khô ở gót chân bị mất đi độ đàn hồi và tách ra khi trọng lực cơ thể dồn xuống chân. Khi gặp điều kiện thuận lợi như tiếp xúc nhiều với nước, thay đổi thời tiết đột ngột, trời lạnh, nó có thể gây chảy máu, nứt sâu, đau đớn, cản trở việc đi lại, lao động.
Trường hợp nặng, các vết nứt có thể gây chảy máu, thậm chí do tổn thương sâu, vi khuẩn và virus xâm nhập có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Nguyên nhân gây nứt gót chân rất đa dạng, đó là:
- Da khô do mất độ ẩm, áp lực quá mức lên phần gót chân trong thời gian dài và nguyên nhân từ bệnh tật.
- Không giữ ẩm cho bàn chân thường xuyên.
- Cơ thể bị mất nước hoặc không uống đủ nước.
- Sử dụng xà phòng có chất tẩy mạnh.
- Ngâm chân trong nước nóng quá lâu hoặc quá thường xuyên.
- Đi bộ hoặc đứng lâu, đặc biệt là trên sàn cứng.
- Người mắc một số rối loạn hoặc các loại bệnh như suy giáp, bệnh vẩy nến, eczema, viêm da dị ứng, đặc biệt là bệnh tiểu đường… cũng có thể dẫn đến nứt gót chân.
- Người dùng thuốc kháng histamin và thuốc lợi tiểu cũng được xem là có hiện tượng gót khô. Loại trừ nguyên nhân lão hóa do tuyến mồ hôi ở bàn chân giảm hoạt động, người trẻ nếu thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết cũng có thể khiến gót chân bị nứt nẻ.
Cách hạn chế chứng nứt gót chân hiệu quả
Để cải thiện tình trạng nứt gót chân, mọi người nên áp dụng các phương pháp sau:
- Uống nhiều nước hàng ngày ngay cả khi không khát.
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin A, C, để chống lão hóa da.
- Không nên đứng quá lâu, tạo áp lực cho chân.
- Giữ bàn chân sạch sẽ và tẩy da chết thường xuyên mỗi tuần. Massage gót chân với dầu mè hoặc dầu dừa khoảng 10 phút trước khi đi ngủ.
- Nên ngâm chân trong nước ấm có vắt nửa quả chanh, sẽ nới lỏng các tế bào da chết. Sau đó, khi da chân mềm thì lấy đá mài chà nhẹ phần gót chân và rửa sạch.
- Trộn glycerin và nước hoa hồng với nhau và áp dụng thoa vào gót chân hàng ngày. Điều này giúp làm dịu và chữa trị nứt gót chân nhanh chóng.
- Nên ngâm chân với các nguyên liệu từ thiên nhiên như đắp chuối, bơ, mật ong, dầu dừa, sữa chua...
- Sử dụng tinh dầu thiên nhiên: Các loại tinh dầu như dầu dừa, dầu ôliu, dầu hạnh nhân, dầu trà chứa nhiều vitamin E, khoáng chất và tinh dầu. Những thành phần này cần thiết để duy trì độ ẩm cho da, dưỡng da mềm mịn hơn, đây cũng là cách giảm bớt tình trạng nứt nẻ ở gót chân. Chỉ cần thoa đều tinh dầu lên vùng gót chân và massage nhẹ nhàng. Đi tất và giữ đến sáng hôm sau rồi rửa sạch lại bằng nước ấm.
- Tránh đi giầy cao gót hoặc giầy mũi nhọn.
- Sử dụng miếng đệm lót gót chân bằng silicon để giữ ẩm và ngăn ngừa tình trạng sưng nề miếng đệm gót chân.
- Không dùng kéo hay dao cạo lớp da dầy, sẽ khiến lớp da ấy dễ bị nhiễm trùng và tình trạng nứt không cải thiện.
Theo suckhoedoisong.vn