Insulin đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách giúp các tế bào hấp thụ glucose (đường) từ thực phẩm bạn ăn để lấy năng lượng. Tình trạng kháng insulin xảy ra khi các tế bào của cơ thể bạn trở nên kém nhạy cảm hoặc ít phản ứng hơn với insulin - một loại hormone do tuyến tụy sản xuất.
Bạn có thể bị kháng insulin do lượng đường trong máu luôn cao. Nhiều người không nhận ra mình bị kháng insulin cho đến khi làm xét nghiệm máu, đặc biệt vì các triệu chứng có thể không được chú ý trong giai đoạn đầu và phát triển dần dần theo thời gian. Nếu không được điều trị thích hợp, tình trạng kháng insulin có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường type 2.
Dấu hiệu và triệu chứng kháng insulin
Khi tình trạng kháng insulin tiến triển, bạn có thể bắt đầu nhận thấy số cân nặng tăng lên, đi tiểu thường xuyên và mệt mỏi cùng các triệu chứng khác.
1. Đường huyết cao
Tăng đường huyết là một trong những triệu chứng đầu tiên của tình trạng kháng insulin và có thể có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Xét nghiệm hemoglobin A1c (HbA1c) có thể được yêu cầu thực hiện. Mức HbA1c phản ánh lượng glucose trong máu gắn với hemoglobin trong ba tháng qua. Ba tháng là tuổi thọ trung bình của một tế bào hồng cầu.
|
|
Tăng đường huyết là một trong những triệu chứng đầu tiên của tình trạng kháng insulin (Ảnh: ST) |
Mức glucose trong máu càng cao thì lượng glucose gắn vào hemoglobin càng nhiều. Mức HbA1c cao được xem là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Cụ thể, với kết quả HbA1c dưới 5,7% được coi là mức bình thường. Tuy nhiên, kết quả từ 5,7% đến 6,4% có thể cho thấy bạn kháng insulin và mắc bệnh tiền tiểu đường - một tình trạng có nghĩa là bạn có lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng không đủ cao để phân loại bạn mắc bệnh tiểu đường type 2. Kết quả từ 6,5% trở lên có nghĩa là là bạn bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2.
2. Cholesterol cao
Insulin có vai trò trong việc điều chỉnh cơ thể sử dụng và lưu trữ chất béo cũng như cholesterol. Tình trạng tăng triglycerid (mỡ máu), tăng cholesterol có hại (LDL), giảm cholesterol tốt (HDL) là dấu hiệu nghi ngờ tình trạng kháng insulin.
3. Mỡ vòng hai
Khi cơ thể kháng insulin, đường sẽ khó được sử dụng một cách hợp lý khiến lượng đường trong máu tăng cao hơn. "Đáp lại" hành động này, cơ thể sẽ sản xuất nhiều insulin hơn để bù đắp và việc sản xuất insulin quá mức này có thể khiến bạn tích trữ nhiều mỡ hơn bình thường, đặc biệt là mỡ vòng hai.
Nói cách khác, sự tăng lên quá mức của mỡ ở vùng bụng thường liên quan tới tình trạng kháng insulin.
|
|
Sự tăng lên quá mức của mỡ ở vùng bụng thường liên quan tới tình trạng kháng insulin (Ảnh: ST) |
4. Mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng đặc trưng của tình trạng kháng insulin, tiền tiểu đường và tiểu đường. Kháng insulin ảnh hưởng tới hiệu quả hấp thụ glucose của tế bào để tạo năng lượng. Kết quả là cơ thể bạn gặp khó khăn trong việc sử dụng glucose một cách hiệu quả, dẫn đến giảm năng lượng và gia tăng mệt mỏi.
Ngoài ra, tình trạng này có thể gây ra những dao động về lượng đường trong máu, điều này cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn.
5. Đi tiểu thường xuyên hơn
Khi mức đường huyết của bạn cao, thận sẽ làm việc chăm chỉ để loại bỏ lượng đường dư thừa ra khỏi máu. Thông thường, glucose được lọc ra khỏi máu và vào thận, sau đó thận sẽ tái hấp thu đường trở lại máu.
Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu luôn ở mức cao, thận của bạn không thể tái hấp thu toàn bộ lượng đường dư thừa. Lượng glucose dư thừa trong thận buộc cơ thể bạn phải đưa đường vào nước tiểu và lấy nước từ các mô của cơ thể - điều này dẫn đến tăng sản xuất nước tiểu.
Đi tiểu thường xuyên hay đa niệu, là nỗ lực của cơ thể để loại bỏ lượng glucose dư thừa. Việc phải đi vệ sinh thường xuyên hơn mức bình thường là dấu hiệu phổ biến của tình trạng kháng insulin và tiền tiểu đường.
6. Khát nhiều hơn
Bởi vì lượng đường dư thừa trong máu khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn, cơ thể bạn sẽ mất nhiều chất lỏng hơn qua nước tiểu. Đi tiểu thường xuyên hơn có thể dẫn đến mất nước trong cơ thể và khiến bạn có nguy cơ bị mất nước.
Kết quả là bạn thường cảm thấy khát nhiều hơn suốt cả ngày vì cơ thể cố gắng bù đắp lượng chất lỏng đã mất.
|
|
Vùng da sẫm màu ở bệnh nhân bị kháng insulin (Ảnh: ST) |
7. Những vùng da sẫm màu
Nếu bạn phát triển tình trạng kháng insulin hoặc tiền tiểu đường, một số vùng da nhất định như nách, lưng và hai bên cổ có thể bắt đầu có màu sẫm hơn. Tình trạng này thường được gọi là acanthosis nigricans.
Bên cạnh làn da sẫm màu, những vùng da này cũng có thể phát triển một số khối u nhỏ trên da được gọi là mụn thịt.
8. Ngứa ran ở bàn chân
Ngứa ran ở bàn chân thường có thể là triệu chứng của tình trạng kháng insulin. Lượng đường trong máu cao, ngay cả khi bạn không mắc bệnh tiểu đường, vẫn có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên - một tình trạng gây tổn thương thần kinh.
Trong hầu hết các trường hợp, tổn thương thần kinh thường bắt đầu ở bàn chân và có thể gây ra cảm giác ngứa ran, tê hoặc cảm giác như kim châm.
9. Triệu chứng kháng insulin ở trẻ em
Ở trẻ em, tình trạng kháng insulin thường không có biểu hiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì trẻ có thể xuất hiện các mảng da dày, sẫm màu hoặc mịn như nhung. Những mảng da này xuất hiện ở những vùng cơ thể có nếp nhăn tự nhiên tương tự với người lớn như cổ, nách.
Nếu trẻ bị kháng insulin, các triệu chứng khác cũng có thể gặp bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, hội chứng buồng trứng đa nang, theo Health.
10. Câu hỏi thường gặp
- Các yếu tố làm tăng nguy cơ kháng insulin là gì?
Theo WebMD, có nhiều yếu tố có thể góp phần khiến tình trạng kháng insulin dễ xảy ra hơn, bao gồm:
+ Béo phì, đặc biệt là mỡ vòng hai
+ Lối sống ít vận động
+ Chế độ ăn nhiều carbohydrate
+ Tiểu đường thai kỳ
+ Các tình trạng sức khỏe như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, hội chứng buồng trứng đa nang
+ Tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
+ Hút thuốc
+ Người trên 45 tuổi
+ Rối loạn nội tiết tố như hội chứng Cushing
+ Các loại thuốc như steroid, thuốc chống loạn thần và thuốc điều trị HIV
+ Các vấn đề về giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ.
|
|
Có nhiều yếu tố thúc đẩy nguy cơ kháng insulin (Ảnh: ST) |
- Kháng insulin có nguy hiểm không?
Nếu tình trạng kháng insulin không được điều trị, nó có thể dẫn đến:
+ Lượng đường trong máu tăng cao nghiêm trọng
+ Hạ đường huyết nghiêm trọng
+ Đau tim
+ Đột quỵ
+ Bệnh thận
+ Những vấn đề về mắt
+ Bệnh Alzheimer
+ Nguy cơ ung thư.
- Ăn gì để giảm triệu chứng kháng insulin?
Ngũ cốc nguyên hạt, nguồn protein nạc, sữa ít béo và rau quả đều có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu của bạn. Bạn có thể cần lưu ý đến khẩu phần ăn và giảm thiểu lượng đồ ăn có đường và đồ chiên rán.
- Kháng insulin có nghĩa là bạn mắc bệnh tiểu đường?
Câu trả lời là không. Kháng insulin có nghĩa là lượng đường của bạn cao, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nếu bạn bị kháng insulin, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường trong vòng 10 năm tới, theo Health.
- Căng thẳng có góp phần vào tình trạng kháng insulin không?
Có, căng thẳng mãn tính có thể góp phần vào sự phát triển của tình trạng kháng insulin. Hormone căng thẳng có thể làm giảm độ nhạy cảm của insulin, dẫn đến việc tăng đường huyết.
Nhìn chung, nếu bạn nghi ngờ bản thân có các dấu hiệu kháng insulin như khát nước nhiều hơn, đi tiểu nhiều hơn, mệt mỏi, tăng cân không rõ nguyên nhân,... thì bạn cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn thực hiện thăm khám và các xét nghiệm kiểm tra để tìm ra nguyên nhân. Điều này đặc biệt quan trọng hơn khi gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hoặc các tình trạng sức khỏe khác liên quan. Nếu không được điều trị thích hợp, tình trạng kháng insulin có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 và gây ra các biến chứng sức khỏe khác.
Châu Anh/Nguồn: Health, WebMD