Thế nào là phát triển bình thường?
Tăng trưởng ở trẻ nhỏ có những thời kỳ phát triển khác nhau, mức tăng trung bình khi trẻ được đáp ứng đủ các yếu tố về dinh dưỡng và hormone cần thiết là 4 đến 7 cm mỗi năm.
Ở trẻ dưới 5 tuổi, mức biến động chiều cao của trẻ lớn hơn nhiều, cụ thể là:
- Trẻ từ 0 - 1 tuổi có thể tăng trung bình 25 cm/năm.
- Trẻ từ 1 - 2 tuổi có thể tăng trung bình 12 cm/năm.
- Trẻ từ 2 - 3 tuổi có thể tăng trung bình 8 cm/năm.
Như vậy 1000 ngày đầu đời được tính từ khi trẻ được mang thai cho đến 24 tháng tuổi là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất. Theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai.
Tuy nhiên, ngoài những trẻ đạt được các mốc chiều cao phù hợp với độ tuổi thì còn rất nhiều trẻ chưa đạt chuẩn chiều cao, thậm chí là kém tăng trưởng, thấp hơn nhiều so với con số cần có.
Yếu tố nào ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ?
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ, các nghiên cứu cho thấy chế độ dinh dưỡng, yếu tố di truyền và các hormone đều có ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của trẻ. Nguyên nhân làm cho trẻ phát triển chậm có thể do chế độ dinh dưỡng không hợp lý hoặc trẻ có một rối loạn nào đó.
Một số lý do thường gặp khiến trẻ có vấn đề về tăng trưởng
- Trường hợp trẻ phát triển theo tốc độ bình thường nhưng vẫn nhỏ hơn so với tuổi thì gọi là chậm phát triển thể chất.
Lý do có thể do trẻ có "tuổi xương" phát triển chậm hơn so với "tuổi đời". Trong trường hợp này, thời kỳ dậy thì có thể sẽ bị lùi lại cho đến khi bộ xương phát triển kịp. Thường thì những trẻ này sẽ có người thân hay họ hàng gặp phải tình trạng tương tự.
- Trường hợp trẻ có cân nặng và chiều cao thấp hơn so với tuổi thì trẻ có thể bị suy dinh dưỡng.
Lý do thường gặp là trẻ có vấn đề về nuôi dưỡng hoặc do chế độ ăn không đủ chất. Ngoài ra, đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề khác như nhiễm trùng, có bất thường về đường tiêu hóa, hoặc trẻ có thể bị bỏ bê hay chăm sóc không đúng cách.
- Trường hợp trẻ thiếu hụt hormone.
Lý do tăng trưởng còn phụ thuộc vào tình trạng hormone và tình trạng tăng hay giảm đáng kể một loại hormone nào đó cũng là nguyên nhân gây nên các rối loạn tăng trưởng trong 10 năm đầu đời. Ví dụ như trẻ bị suy tuyến giáp sẽ không sản xuất đủ hormone cần thiết cho xương phát triển.
- Lý do mắc một số bệnh lý mạn tính
Một số trẻ có vấn đề về tăng trưởng, có thể do một số bệnh lý mạn tính và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ. Một số bệnh mạn tính thường gặp là: Suyễn, bệnh tim bẩm sinh, suy thận mạn… Trẻ có bệnh lý thần kinh cơ, hở hàm ếch hoặc một số vấn đề về tâm thần kinh... cũng sẽ dẫn đến ăn kém. Một số bệnh như suy tim, tiểu đường, xơ nang, nhiễm HIV cũng gây cản trở sự hấp thu dưỡng chất của cơ thể.
Ngoài ra, những lý do khác như: Rối loạn di truyền (hội chứng Turner), nhiễm trùng trong thai kỳ, dùng thuốc lá và rượu trong thai kỳ… sẽ dẫn đến trẻ có vấn đề về tăng trưởng.
Cách nhận biết trẻ có chậm tăng trưởng hay không?
Tùy từng trẻ, lứa tuổi thì việc tăng trưởng khác nhau, nhưng trung bình được hiểu như sau.
Có ba giai đoạn có tính chất quyết định về chiều cao:
Ở giai đoạn bào thai: Trong suốt 9 tháng mang thai, người mẹ cố gắng đảm bảo dinh dưỡng tốt nhằm tăng trọng lượng từ 10 - 12kg để trẻ đạt chiều cao 50cm lúc sinh (tương ứng cân nặng lúc sinh khoảng 3kg).
- Ở giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi:
- Ở năm thứ nhất: Tăng 25 cm.
- Ở 2 năm kế tiếp: Mỗi năm tăng 10cm.
- Ở giai đoạn sau 4 tuổi: Chiều cao tăng trung bình 5 – 6 cm/năm cho đến tuổi dậy thì.
- Ở giai đoạn dậy thì: Nếu là trẻ gái 10 - 16 tuổi, trẻ trai 12 - 18 tuổi là thời gian dậy thì.
Trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, có một đến hai năm chiều cao tăng vọt 8 – 12 cm mỗi năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, không thể dự đoán chính xác đó là năm nào, vì vậy cần phải đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ suốt trong giai đoạn này.
- Ở giai đoạn sau tuổi dậy thì: Chiều cao trẻ tăng rất chậm. Trẻ 10 tuổi sẽ có chiều cao bằng 80% chiều cao lúc trưởng thành.
Chiều cao lúc trưởng thành được ước đoán bằng chiều cao lúc 2 tuổi X 2
Ví dụ: Một trẻ 24 tháng cao 85cm, nếu đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, chiều cao ước tính sẽ đạt được lúc trưởng thành là 85 x 2cm = 170 cm.
Như vậy, nếu nghi ngờ trẻ có vấn đề về tăng trưởng, cha mẹ có thể đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi. Cha mẹ cũng nên thường xuyên ghi nhận cân nặng và chiều cao của trẻ để kiểm tra tốc độ tăng trưởng.
Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ tăng trưởng chiều cao?
Dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển chiều cao, thể chất và trí tuệ của trẻ. Vì vậy, ngay từ khi mang thai người mẹ cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, phải chú trọng việc ăn uống các thực phẩm giàu vitamin để giúp thai nhi phát triển tốt như: Rau xanh, trái cây chín, thịt, cá, trứng, sữa…
Khi trẻ ra đời, cha mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn đủ năng lượng để giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng trưởng liên tục.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng thì cha mẹ cần lưu ý cho trẻ tham gia các hoạt động vận động (là những yếu tố có thể can thiệp và thay đổi được), đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và đúng tư thế. Điều này sẽ có lợi cho sự phát triển và tăng trưởng của chiều dài xương.
Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nếu nghi ngờ trẻ có vấn đề về tăng trưởng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất, không tự ý sử dụng các hormone tăng trưởng khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Theo suckhoedoisong.vn