Lý do gì khiến trẻ bị chảy máu chân răng?
Chảy máu chân răng do tình trạng viêm nướu hoặc do thiếu hụt Vitamin C gây ra. Nướu là bộ phận bảo vệ cho chân răng, nhưng khi nướu bị tổn thương, viêm nhiễm thì không thể thực hiện chức năng bảo vệ răng. Biểu hiện của viêm nướu là chảy máu chân răng. Ban đầu là những tổn thương nhẹ tới mô mềm, nhưng nếu không được phát hiện sớm, vi khuẩn có điều kiện hoạt động và gây ra bệnh viêm nướu.
Đây là hệ quả của việc vệ sinh răng miệng chưa tốt, làm cho các vi khuẩn tấn công và làm suy yếu nướu, dẫn đến nhạy cảm và dễ chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng.
Chảy máu chân răng cũng là biểu hiện của sự thiếu hụt Vitamin C. Vì khi cơ thể thiếu Vitamin C sẽ không thể tổng hợp được Collagen, dẫn đến vết thương trở nên lâu lành hơn hoặc xuất huyết ở nướu.
Các bệnh lý răng miệng cũng là nguyên nhân chính gây chảy máu chân răng. Trong đó có thể thấy viêm nướu, sâu răng và tình trạng viêm nướu có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm khác như viêm nha chu, u nhú nướu răng… sẽ ảnh hưởng tới răng vĩnh viễn.
Ngoài ra, các bệnh lý khi trẻ bị chảy máu chân răng có thể như: Trẻ mắc bệnh giảm tiểu cầu, thiếu canxi, ung thư máu, tủy xương, khó đông máu. Ngoài ra, các bệnh lý về gan, đái tháo đường, tim mạch… cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu chân răng. Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường, chảy máu chân răng thường xuyên… cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá và điều trị.
Cần làm gì khi trẻ bị chảy máu chân răng?
Để điều trị chảy máu chân răng ở trẻ em, tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp.
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chữa chảy máu chân răng ở trẻ. Không nên cho trẻ đánh răng, bởi dễ va chạm vào nướu răng bị viêm. Nếu tình trạng răng trẻ viêm nhiễm, sâu răng… bác sĩ sẽ có biện pháp phù hợp xử trí. Nếu nghi ngờ liên quan tới các bệnh lý nghiêm trọng, sẽ cho trẻ làm các chẩn đoán liên khoa để xác định.
Với các trường hợp thông thường, không phải liên quan đến bệnh lý nghiêm trọng, hàng ngày mẹ có thể dụng gạc rơ miệng và Nacl 0,9% để vệ sinh răng miệng cho trẻ. Nên vệ sinh cho trẻ nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương cho nướu bị viêm.
Chú ý bổ sung các thực phẩm giàu Vitamin C, giúp tăng sức đề kháng của răng, tủy và nướu.
Vitamin C giúp các vết viêm sưng nhanh lành hơn. Để giúp trẻ có một hàm răng chắc khỏe, cha mẹ có thể thêm vào thực đơn của con các loại trái cây chứa nhiều Vitamin C như cam, xoài, kiwi, mâm xôi...
Việc vệ sinh răng miệng hằng ngày với trẻ vô cùng quan trọng, ngoài việc chải răng theo khuyến cáo, cha mẹ cần cho trẻ súc miệng nước muối. Đối với trẻ lớn đây là cách vệ sinh răng miệng hàng ngày đơn giản và hiệu quả nhất. Nước muối có thể pha loãng và để trẻ súc miệng 2 - 3 lần mỗi ngày. Nước muối súc miệng không chỉ hạn chế tình trạng chảy máu chân răng mà còn giảm xuất hiện các bệnh lý răng miệng khác.
Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ khám răng định kỳ theo khuyến cáo của các bác sĩ 6 tháng/lần. Để có thể phát hiện sớm tình trạng sâu răng hoặc viêm nướu, từ đó có cách xử trí hợp lý.
Để điều trị chảy máu chân răng ở trẻ em tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Ảnh minh hoạ.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa bệnh răng miệng ở trẻ cũng như chảy máu chân răng, sâu răng sữa ở trẻ, cần ngăn ngừa ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Từ lúc có thai, mẹ nên ăn những thực phẩm có lợi cho men rằng của trẻ sau này như các loại cua, cá, sò, ốc, tôm, sữa… Đây là những thực phẩm cung cấp rất nhiều canxi, giúp cho lớp men răng của trẻ khi sinh ra sẽ không bị yếu và hạn chế sự tấn công của vi khuẩn.
Cần thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày, ngay khi trẻ mới mọc răng sữa, mẹ có thể giúp trẻ vệ sinh răng miệng bằng cách dùng gạc vệ sinh, nhúng vào nước muối ấm. Nhẹ nhàng vệ sinh răng miệng cho con thật kĩ lưỡng để tránh tình trạng trẻ bị sâu răng sữa.
Khi trẻ đến tuổi có thể sử dụng bàn chải và kem đánh răng, mẹ nên tập thói quen vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng bàn chải. Lưu ý, dùng kem đánh răng cho trẻ 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối trước khi trẻ đi ngủ.
Nắng sớm rất tốt cho sự phát triển của xương, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ. Cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng, hoạt động ngoài trời để giúp trẻ phát triển toàn diện.
Một điều vô cùng quan trọng, cha mẹ cần hạn chế thói quen xấu ở trẻ, không cho trẻ ngậm bình sữa, ăn nhiều đồ ngọt vào buổi tối là nguyên nhân khiến trẻ bị sâu răng sữa.
Nếu trẻ có hiện tượng chảy máu khó cầm, có thể mắc bệnh về máu, ví dụ như bệnh Hemophilia (máu khó đông), xuất huyết giảm tiểu cầu và các vấn đề liên quan đến rối loạn đông máu khác.
Trường hợp này cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được khám và làm một số xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh. Không nên chần chừ, bởi việc mắc một vấn đề về đông máu nếu không biết có thể dẫn đến nguy hiểm, nếu lỡ bị té ngã, chấn thương,việc cầm máu cho các bệnh nhân này là rất khó khăn.
Theo suckhoedoisong.vn