1. Kiệt sức do nhiệt

Khi bị kiệt sức do nhiệt cần phải ngừng tất cả các gắng sức và đưa bệnh nhân đến một môi trường mát mẻ, để bệnh nhân nằm trên nền phẳng, bù nước uống với điện giải 0,1% sodium chloride (nên uống khoảng 1 lít/giờ). Nếu người bệnh nôn hoặc buồn nôn không thể bù nước, điện giải đường uống, chỉ định dung dịch truyền tĩnh mạch và chất thay thế điện giải, có thể sử dụng dung dịch muối 0,9%.

Ngoài ra, nếu các triệu chứng không giải quyết được sau 30 - 60 phút bù nước uống, bệnh nhân nên được đưa đến khoa cấp cứu để thực hiện bù dịch đường tĩnh mạch. Tỷ lệ và lượng nước bù đường tĩnh mạch được hướng dẫn dựa theo tuổi tác, các bệnh phối hợp và đáp ứng lâm sàng. Bù từ 1 - 2 lít với tốc độ 500 ml/giờ thường là đủ. Bệnh nhân người cao tuổi và bệnh nhân bệnh tim mạch có thể cần bù dịch ít hơn. Các biện pháp làm mát bên ngoài thường không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân kiệt sức do nóng có thân nhiệt ≥ 40°C, có thể thực hiện các biện pháp để giảm nhiệt độ.

leftcenterrightdel
 Khi bị kiệt sức do nhiệt cần phải ngừng tất cả các gắng sức và đưa bệnh nhân đến một môi trường mát mẻ và bù nước...

2. Sốc nhiệt/ say nắng

Say nắng là tình trạng tăng thân nhiệt kèm theo phản ứng viêm toàn thân gây rối loạn chức năng nhiều cơ quan có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng bao gồm nhiệt độ 40°C và thay đổi trạng thái tinh thần; có thể không có hoặc có mồ hôi.

Sốc nhiệt xảy ra khi các cơ chế bù trừ để giải nhiệt thất bại và nhiệt độ trung tâm tăng đáng kể. Các cytokines viêm được kích hoạt và có thể gây rối loạn chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể. Rối loạn chức năng cơ quan có thể xảy ra ở hệ thần kinh trung ương, cơ xương, gan, thận, phổi và tim. Tăng kali máu và hạ đường huyết có thể xảy ra. Các yếu tố đông máu được kích hoạt, đôi khi gây ra đông máu rải rác nội mạch.

Điều trị say nắng:

  • Làm mát tích cực.
  • Chăm sóc hỗ trợ tích cực...

Các kỹ thuật làm mát chính là:

  • Ngâm nước lạnh.
  • Làm mát bằng bay hơi...

Với kỹ thuật này, hầu hết bệnh nhân say nóng có thể được hạ nhiệt trong thời gian < 60 phút. Ngoài ra, túi đá lạnh hoặc hóa chất lạnh có thể được áp vào cổ, nách, háng hoặc các bề mặt da không có lông nơi có hệ thống mạch dưới da dày đặc để tăng cường làm mát. Nên dừng các biện pháp làm mát khi nhiệt độ đạt khoảng 39°C để tránh làm mát quá mức và gây hạ thân nhiệt do điều trị.

Các biện pháp hồi sức cần thiết nên được tiến hành trong khi thực hiện làm mát. Giải quyết tình trạng ức chế thần kinh cơ bằng đặt nội khí quản và thở máy có thể cần thiết để kiểm soát run và ngăn ngừa hít sặc ở những bệnh nhân vô tri giác.

Bổ sung oxy bởi vì say nóng làm tăng nhu cầu chuyển hóa. Bù nước theo đường tĩnh mạch bằng dung dịch muối sinh lý 0,9% cần phải được bắt đầu với 1 - 2 lít nước muối sinh lý 0,9% đã được làm lạnh để giúp giảm nhiệt độ trung tâm.

Bệnh nhân cần phải được đưa vào khoa hồi sức tích cực và theo dõi rối loạn chức năng đa cơ quan, đông máu rải rác trong lòng mạch và globin cơ niệu kịch phát. Trong một số trường hợp có thể cần phải lọc máu.

3. Phòng chống sốc nhiệt mùa nắng nóng bằng y học cổ truyền

leftcenterrightdel
 Dùng ép nước uống khi bị say nắng.

Hoàn cảnh tự nhiên và xã hội luôn luôn tồn tại tác động vào con người, nhưng bệnh tật chỉ xảy ra do sự thay đổi nội tại bên trong, đó là sự giảm sút sức đề kháng, còn gọi là chính khí hư, làm cơ thể không thích ứng được với ngoại cảnh.

Một trong những nguyên nhân gây bệnh theo y học cổ truyền là ngoại nhân, bao gồm: Hoàn cảnh thiên nhiên (khí hậu, địa lý) ảnh hưởng đến con người qua lục khí (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa). 

Trong đó, "thử" là dương tà hay gây sốt và hiện tượng viêm nhiệt, khát, mạch hồng, ra mồ hôi. Thử hay đi lên trên, tản ra ngoài (thăng tán) làm mất tân dịch (gây ra mồ hôi nhiều, mất nước và điện giải có thể gây hôn mê, trụy mạch). Trường hợp nhẹ gọi là thương thử, nặng gọi là trúng thử, hay phối hợp với thấp lúc cuối hạ sang thu, gây ra các chứng tiêu chảy, lỵ.

  • Thương thử: Sốt về mùa hè, vật vã, khát, mỏi mệt.
  • Trúng thử: Say nắng (nhẹ thì hoa mắt chóng mặt, nặng thì đột nhiên hôn mê, bất tỉnh nhân sự), khò khè ra mồ hôi lạnh, chân tay quyết lạnh.
  • Tiêu chảy hay gặp về cuối mùa hè, lỵ, tiêu chảy nhiễm trùng.

Pháp điều trị thử tà là: Thanh nhiệt giải thử (thương thử, trúng thử), ôn tán thử thấp (thấp thử).

Các vị thuốc thanh nhiệt giải thử (dùng cho các trường hợp thương thử, trúng thử):

  • Lá sen (hà diệp): Vị đắng, tính bình. Quy kinh can, vị. Tác dụng: Thanh nhiệt giải thử, thanh phát tỳ dương; dùng để chữa sốt mùa hè, say nắng. Liều dùng: 4- 12g/ngày.
  • Dưa hấu (tây qua): Vị ngọt, tính hàn. Quy kinh tâm, vị. Tác dụng: Thanh nhiệt giải thử, sinh tân, chỉ khát, lợi niệu; dùng ép nước uống khi bị thương thử, trúng thử nhẹ.

Ngoài bù nước bằng nước ép dưa hấu ra, các loại khác như nước ép lê, cam, dưa chuột, mía… cũng có thể được dùng.

Cháo loãng cũng là một phương pháp bổ sung nước và điện giải tốt. Nấu cháo loãng từ đậu xanh, bạch biển đậu, ý dĩ và một chút gia vị, dùng rất tốt trong những ngày nóng bức, cơ thể mệt mỏi, đầu nặng, mắt hoa, phiền nóng trong ngực.

Theo suckhoedoisong.vn