Chào chị Hạnh Dung!

Vợ chồng tôi giờ như kẻ thù, đã lâu rồi không nói chuyện với nhau và cũng không muốn nói chuyện với nhau.

Cách đây tầm 15 năm, khi con gái tôi 3 tuổi, tôi phát hiện vợ tôi ngoại tình với người làm cùng. Họ dính với nhau như sam đến mức vợ người kia gọi điện cho tôi mong tôi tách họ ra. Lúc đấy tôi mới bất ngờ không nghĩ vợ tôi dám ngoại tình.

Tôi chấp nhận bỏ qua cho con có đủ cha mẹ. Gia đình tôi trở lại bình thường. Vậy mà 8 năm sau, tôi phát hiện sự bất thường của vợ (lén lút nhắn tin, đổi mật khẩu điện thoại liên tục, có khi ngày đổi 3 lần, rất sợ tôi sờ đến điện thoại...).

Tôi chơi bài ngửa nói luôn đang nghi cô ta ngoại tình. Cô ta bảo: "Anh không tin em sao?". Tôi bảo muốn tin đưa điện thoại tôi xem thì cô ta sợ, cầm điện thoại vội vàng xóa thông tin rồi mới đưa tôi. Tôi bảo sẽ mang ra nhờ thợ khôi phục thông tin thì cô ta lao vào giằng điện thoại và đập nát đi.

Tôi tra hỏi mấy hôm thì cô ta thú nhận đang có tình cảm với 1 người, chỉ quan tâm, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống và kêu hợp nhau. Tôi hỏi ai thì cô ta nhất quyết không nói danh tính. Và từ đấy cuộc sống gia đình như địa ngục.

2 năm sau cô ta mới nói ra đó là chồng của người thuê cửa hàng sát nhà tôi, vì cô ta sợ tôi làm ầm lên xấu mặt họ nên quyết chịu để tôi chửi mắng. Tôi rất muốn bỏ cô ta, nhưng nghĩ tới 2 đứa con lại cắn răng tha thứ.

Vậy mà tiếp tục 2 năm sau, tôi lại phát hiện cô ta hẹn hò một người qua tận chỗ làm để đón đi ăn đi chơi. Tôi phát hiện ra khi cô ta mua điện thoại mới và đưa điện thoại cũ cho con tôi dùng. Tình cờ 1 lần tôi cầm điện thoại cũ đấy xem thì thấy tin nhắn messenger của cô ta với người kia.

Giờ tôi thật sự không còn gì để nói về cô ta nữa. Cuộc sống của tôi như địa ngục. Chị Hạnh Dung cho tôi lời khuyên phải làm gì?

Tuấn

Anh Tuấn thân mến,

Khi anh đã diễn tả một mối quan hệ vợ chồng bằng hai từ "kẻ thù", rằng anh không còn gì để nói về vợ, và cuộc sống với cô ấy giờ là địa ngục... thì Hạnh Dung thật lòng không biết anh mong chờ lời khuyên nào từ Hạnh Dung nữa.

Đã là kẻ thù thì chắc chắn là không nên sống với nhau. Bởi chẳng ai có thể còn chút tình cảm nào với kẻ mình đã coi là kẻ thù, thậm chí khi có thể, họ còn triệt hạ nhau thẳng tay, tàn nhẫn nữa là khác.

Thế nhưng, dù anh có viết thế nào, có dùng những từ tồi tệ thế nào đi chăng nữa về vợ mình, thì Hạnh Dung vẫn cảm thấy cần phải viết cho anh vài dòng với một lời khuyên nhỏ: hãy bình tĩnh nhìn lại sự việc, và cách anh đánh giá về vợ, về mối quan hệ của cả hai.

Thật tình, qua cách hành văn của anh, cách dùng từ đầy sự miệt thị, khinh rẻ mà anh dành cho vợ (Hạnh Dung đã biên tập, bỏ bớt đi), Hạnh Dung có phần nào phân vân về mức độ "tội lỗi" mà anh gán cho vợ.

Những biểu hiện cụ thể nhất của việc vợ anh ngoại tình, theo lời anh kể, chỉ là việc thân thiết với một người cùng làm, quan tâm chia sẻ buồn vui và cảm thấy hợp nhau với một người là hàng xóm và đi ăn cùng nhau.

Có bao giờ anh thật sự suy nghĩ, tự nghi ngờ chính bản thân mình, rằng kết luận vợ ngoại tình là không đúng hay không? Hay đó chỉ là những mối quan hệ thân thiết nằm trong giới hạn chuyện trò, chia sẻ những suy nghĩ về cuộc sống?

Những mối quan hệ bình thường đó qua lăng kính của một người chồng gia trưởng, không có lòng tin, thậm chí có tính quy chụp, ghen tuông trở thành biểu hiện của ngoại tình. Những điều này Hạnh Dung từng gặp khá nhiều trong các ca tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình.

Có bao giờ anh nghĩ rằng vợ anh thiếu một người đồng cảm, quan tâm, chia sẻ, mà người đó đáng ra phải là chồng mình? Nên cô ấy mới trở nên thân thiết hơn với những người biết nghe và muốn hiểu cô ấy?

Những biểu hiện che giấu, im lặng của nhiều người vợ trong những mối quan hệ vợ chồng thường xuyên bị nghi ngờ và kiểm soát, có lẽ cũng xuất phát từ những nỗi quá sợ hãi. Họ biết chắc rằng dù có thanh minh đến mấy, họ cũng bị gán cho tội ngoại tình.

Khi một người không chịu lắng nghe, không chịu suy xét, cương quyết chụp cho người kia cái áo tù tội lỗi, thì người còn lại cũng sẽ không có khả năng chia sẻ, thanh minh, chứng tỏ sự vô tội của mình. Mối quan hệ trở nên ngột ngạt, khó thở, đến mức trở thành địa ngục là tất nhiên thôi.

Nhưng dù anh khăng khăng rằng vợ anh ngoại tình, mà ngoại tình đến 3 lần, anh vẫn không muốn, chưa muốn ly hôn, mà đi tìm lời khuyên của Hạnh Dung - điều đó phải chăng anh thấy trong sự nghi ngờ của mình có điều gì đó cần cân nhắc lại?

Không thể biết rõ mọi việc chỉ qua những điều anh kể khá vắn tắt, nhưng lại tìm thấy trong điều anh kể những dấu hiệu khiến anh phải phân vân, Hạnh Dung chỉ có thể đặt cho anh những giả thuyết, để anh có thể suy nghĩ lại, rằng mình có sai ở đâu đó khi khăng khăng kết luận vợ ngoại tình hay không? Nếu sai, thì phải điều chỉnh anh ạ.

Theo phụ nữ TPHCM