leftcenterrightdel
Chikungunya và sốt xuất huyết đều là bệnh truyền nhiễm do muỗi lây lan. Ảnh: Goodknight 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh do vec-tơ truyền chiếm hơn 17% tổng số bệnh truyền nhiễm, gây ra hơn 700.000 ca tử vong hàng năm.

Bệnh do vec-tơ truyền là các bệnh nhiễm trùng được truyền từ động vật chân đốt như muỗi, ve, bọ xít, ruồi cát và ruồi đen. Chúng lây sang người qua vết cắn, từ đó gây ra các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, phát ban...

Do hầu hết triệu chứng liên quan các bệnh do vật trung gian truyền bệnh khác nhau đều giống nhau, có thể có sự nhầm lẫn lớn khi xác định nguồn gốc của các vấn đề sức khỏe của người bệnh. Trong đó, hai loại bệnh nhiễm trùng do muỗi phổ biến nhất - Chikungunya và sốt xuất huyết - đều có nhiều triệu chứng tương tự nhau.

Chikungunya và sốt xuất huyết

Sốt Chikungunya là bệnh nhiễm trùng do muỗi truyền. Theo Mayo Clinic, thuật ngữ "chikungunya" có nghĩa là "bị gập cong" hoặc "đi bộ khom lưng". Điều này chỉ ra cách căn bệnh này có thể gây ra sự đau đớn nghiêm trọng cho khớp và cơ của người bệnh. Chikungunya không có cách chữa khỏi. Tuy nhiên, các triệu chứng như sốt cao đột ngột, nhức đầu, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn và đỏ mắt có thể được kiểm soát và điều trị.

Trong khi đó, nguồn lây nhiễm chính của sốt xuất huyết là muỗi Aedes aegypti và ở mức độ thấp hơn là Ae. albopictus. Sốt xuất huyết nhẹ gây sốt cao và các triệu chứng giống cúm, trong khi dạng sốt xuất huyết nặng có thể gây chảy máu nghiêm trọng, tụt huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Phân biệt Chikungunya và sốt xuất huyết

Theo India Times, cả Chikungunya và sốt xuất huyết đều có thể dẫn đến các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu, đau khớp, đau cơ, phát ban, mệt mỏi, buồn nôn và đau ở vùng sau mắt. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể giúp phân biệt 2 bệnh này. Chủ yếu sự khác biệt nằm ở mức độ nghiêm trọng giữa chúng.

Trong khi Chikungunya gây tổn hại nghiêm trọng đến khớp và cơ của người bệnh, dẫn đến đau, giai đoạn sốt xuất huyết đáng lo ngại hơn có thể biểu hiện dưới dạng số lượng tiểu cầu thấp. Đôi khi nó có thể xuống thấp tới 10.000 tiểu cầu hoặc thấp hơn trên mỗi microlit máu. Trong trường hợp bệnh Chikungunya, số lượng tiểu cầu có thể giảm nhẹ, đặc trưng bởi số lượng tiểu cầu thấp hơn 150.000 tiểu cầu trên mỗi microlit máu.

Ngoài ra, cơn đau cơ thể ở bệnh nhân sốt xuất huyết dữ dội hơn nhiều so với người mắc Chikungunya. Ngược lại, đau khớp dữ dội trong trường hợp bệnh Chikungunya, chủ yếu khu trú quanh bàn tay và đầu gối, có thể kéo dài ngay cả sau khi bệnh nhân đã khỏi. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp sốt xuất huyết nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị chảy máu.

leftcenterrightdel
Bệnh nhân mắc Chikungunya có thể bị đau khớp, đặc biệt ở vùng đầu gối và bàn tay, dữ dội. Ảnh: Indiatvnews 

Theo Tổ chức Quốc gia về Rối loạn Hiếm gặp (NORD), ở người bệnh sốt xuất huyết, đôi khi, các màng lót mắt có thể bị viêm (viêm kết mạc) và các tuyến bạch huyết có thể sưng lên.

Trong khi ở Chikungunya, phát ban xuất hiện khắp mặt, lòng bàn tay, bàn chân, tứ chi, bệnh nhân sốt xuất huyết thường bị phát ban giới hạn ở chân tay và mặt.

Một điều khác cần lưu ý là thời gian ủ bệnh khác nhau giữa 2 bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với virus đến khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện).

Đối với bệnh sốt xuất huyết, thời gian ủ bệnh là 5-7 ngày, gồm 3 giai đoạn: Phát sốt, nguy kịch và hồi phục. Hầu hết người bị nhiễm Chikungunya đều có triệu chứng và thời gian ủ bệnh thường là 3-7 ngày. Trong khi các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài 2-7 ngày, với Chikungunya, người bệnh sẽ hồi phục sau 1-2 tuần.

Theo Zingnews