Cẩn trọng với thói quen thường xuyên loại bỏ ráy tai
Cập nhật lúc 23:11, Thứ tư, 18/10/2023 (GMT+7)
Nhiều người có thói quen ngoáy tai khi không có việc gì làm, cho rằng hành động này khiến tai sạch hơn. Nhưng thực tế việc loại bỏ ráy tai này kiểu này không tốt, ảnh hưởng đến thính giác.
Ráy tai đóng vai trò như một lớp màng bảo vệ có thể ngăn chặn một số vật lạ, bụi hoặc một số côn trùng nhỏ trong không khí xâm nhập ống tai, do đó giảm nguy cơ tổn thương tai. Một số thành phần trong ráy tai còn có thể ức chế và tiêu diệt một số vi khuẩn, giúp tai luôn hoạt động bình thường. Ngoài ra, ráy tai còn có tác dụng dưỡng ẩm, có thể ngăn ngừa tình trạng ngứa do khô tai.
Do đó, với những người có thói quen ngoáy tai bất kỳ lúc bảo rảnh và nghĩ hành động này khiến tai sạch hơn thì nên cẩn trọng vì những lý do sau:
Kích thích ống tai
Da ở ống tai rất mỏng manh, thường xuyên dùng dụng cụ sắc nhọn để ngoáy tai sẽ dễ gây kích ứng, tổn thương cho phần da nhạy cảm này. Khi tai bị thương, ráy tai sẽ tiết ra nhiều hơn để bảo vệ tai, dẫn đến tích tụ ráy. Đây là lý do của tình trạng một số người có thói quen lấy ráy tai lại bị ráy tai nhiều hơn.
Gây viêm nhiễm
Khi ráy tai cứng và nhiều, có người càng muốn lấy ra thật mạnh, dù bị cảm giác đau. Việc ngoáy tai theo cách này rất dễ làm xước da ống tai. Vết thương xuất hiện trên da là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng.
Ảnh hưởng đến thính giác
Thói quen thường xuyên ngoáy tai còn có thể vô tình làm thủng màng nhĩ. Một số trường hợp nặng có thể gây viêm tai giữa, chỉ phục hồi được bằng phẫu thuật.
Tai có khả năng tự thanh lọc, khi nói chuyện, đi lại hay cử động đầu, hai tai cũng chuyển động cùng. Trong quá trình này, ráy tai sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể, vì thế không cần phải ngoáy tai thường xuyên.
Theo laodong