leftcenterrightdel
Bị gia đình chồng chỉ trích vì không có con, người vợ rơi vào trầm cảm.Ảnh minh hoạ. 

Ngồi sắp xếp hành lý để về quê dự đám cưới em trai chồng, nhưng gương mặt chị Nguyễn Thị Mai (34 tuổi, ở Hải Phòng) hiện rõ nét buồn rầu, xen lẫn tiếng thở dài.

Người phụ nữ 34 tuổi nói đây là năm thứ 7 chị về làm dâu và là năm thứ 5 cơn ác mộng mang tên về quê chồng hành hạ chị. Lý do không phải vấn đề kinh tế hay sợ đường xá xa xôi, mà vì kết hôn 7 năm nhưng vợ chồng chị chưa có con.

Hai năm đầu kết hôn, chị và bố mẹ chồng vẫn rất hoà thuận, nhưng từ năm thứ 3, mỗi lần về quê chị Mai căng thẳng đến toát mồ hôi. Gặp ai cũng hỏi thăm, người nhẹ nhàng thì nói vài ba câu, người nặng lời hơn thì nói chị "gà không biết đẻ trứng". Bố mẹ chồng mong cháu lâu cũng sinh khó chịu.

Vợ chồng chị Mai kết hôn năm 27 tuổi, vì lo cho kinh tế nên 2 năm đầu kế hoạch không sinh con. Đến năm thứ 3 muốn sinh con thì mãi chưa có, đi khám mới biết trứng của chị rất ít, còn tinh trùng của anh gặp bất thường. Cả hai chạy chữa nhiều năm mà chưa thấy tin vui.

“Tuy vấn đề ở cả hai người nhưng mọi người đều đổ trách nhiệm lên tôi”, chị Mai nói.

Mỗi lần nhà chồng có việc chị Mai không dám về, nhờ chồng đại diện còn bản thân lấy lý do công việc ở lại Hà Nội. Riêng dịp quan trọng như đám cưới em thì chị không thể tìm lý do vắng mặt, buộc phải về quê.

Vừa đặt chân đến cổng, hết người nhà đến hàng xóm qua lại hỏi thăm vấn đề con cái. Có lần chị Mai nghe hàng xóm xúi mẹ chồng cưới vợ mới cho con trai nếu chị không sinh được.

Chị muốn bỏ về ngay nhưng sợ chồng khó ăn khó nói với bà con hàng xóm nên chị cố trấn tĩnh ở lại. "Chồng rất thương tôi, mỗi lần có ai nói đến việc sinh con anh đều đứng ra bảo vệ vợ", người phụ nữ 34 tuổi nói.

Không có con cộng với sợ phải về quê khiến chị mất ngủ nhiều đêm. Từng có thời điểm chị nghĩ đến việc giải thoát để không phải chịu tiếng "gà mái không biết đẻ trứng". Nhiều lần chị tìm đến bác sĩ tâm lý và phải sử dụng thuốc vì không thể ngủ được.

Chị Nguyễn Minh Thu (33 tuổi, Thanh Hoá) lại sợ vì quê vì chưa lập gia đình. Chị đang làm nhân viên marketing cho một công ty ở Hà Nội, với mức thu nhập 25-30 triệu/tháng. Công việc ổn định, gương mặt ưa nhìn nhưng chị mãi chưa lập gia đình dù không ít lần đi xem mắt.

Bố mẹ luôn gọi điện giục con gái đưa người yêu về ra mắt, hoặc bỏ việc về quê lấy chồng nếu không thì sẽ từ mặt. Áp lực tinh thần từ bố mẹ và khối lượng công việc khổng lồ khiến chị Thu mất ngủ nhiều ngày, thậm chí có cảm giác ghét bỏ với đồng nghiệp nam. Chị lo lắng nên đến tìm bác sĩ tâm lý.

leftcenterrightdel
Nhiều người rơi vào stress do gia đình thúc giục chuyện chồng con.Ảnh minh hoạ. 

Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách, Viện Tâm lý học ứng dụng và phát triển MP, Hà Nội, cho biết từng tiếp nhận nhiều chị em đến tư vấn tâm lý về nỗi sợ về quê do bị giục sinh con, lập gia đình.

Họ thường đến trong tâm trạng mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, stress, có người nặng hơn rơi vào trạng thái rối loạn lo âu.

Theo bác sĩ Bách, những áp lực, căng thẳng dù là trong công việc hay cuộc sống cũng đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, khiến trí tuệ giảm sút, mất ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, nhất là khi cuộc sống còn nhiều công việc khác cần lo lắng.

Nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời, người đó sẽ chuyển sang giai đoạn bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm. Bác sĩ khuyên các gia đình cần hiểu tâm lý con, động viên chứ không nên ép buộc, thúc giục con phải làm theo ý mình, nhất là chuyện tình cảm, chồng con.

Stress kéo dài gây nhiều hậu quả, nhẹ nhất là mất ngủ trong thời gian ngắn. Khi giải quyết xong căn nguyên, được gia đình động viên, căng thẳng sẽ nhanh qua đi. Trường hợp stress nhiều, không có bạn đời, gia đình động viên, căng thẳng sinh ra mất ngủ, cáu gắt dần chuyển thành lo âu, trầm cảm, giảm hiệu quả công việc, suy yếu cả về thể chất và tinh thần.

"Nhiều người tâm sự không muốn về quê, trốn đi du lịch để không phải đối mặt với áp lực. Có người về quê nhưng chỉ ở trong phòng hoặc lúi húi dưới bếp cho xong việc", vị bác sĩ nói.

Để giảm bớt căng thẳng, chuyên gia khuyên chị em nên đi khám sớm để được trị liệu tâm lý, cải thiện cảm xúc. Mỗi người cần tự mình gạt bỏ cảm xúc buồn bã, tiêu cực, hướng đến suy nghĩ lạc quan.

Các thành viên trong gia đình cũng nên lắng nghe và tôn trọng mong muốn của nhau. Chị em không nên cô lập bản thân hay ở một mình, mà nên tìm đến người thân, bạn bè chia sẻ để được đồng cảm. Chị em cũng nên kết hợp đọc sách, nghe nhạc, thiền, yoga, tập thể dục để cải thiện tinh thần.

Trường hợp phát hiện người bệnh có dấu hiệu rối loạn cảm xúc, trầm cảm nặng, người nhà cần đưa đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời, tránh các hành vi tiêu cực.

Theo lifestyle.zingnews