Có nhiều nguyên nhân gây căng thẳng và dẫn đến mất ngủ, chẳng hạn cho căng thẳng liên quan đến công việc, tài chính, mối quan hệ, bệnh tật, chấn thương hoặc các sự kiện quan trọng làm thay đổi cuộc sống, theo chuyên trang sức khỏe tâm thần Verywell Mind.
Căng thẳng có khả năng tác động đáng kể đến chất lượng giấc ngủ, kéo theo một loạt tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhiều nghiên cứu cho thấy căng thẳng khiến cơ thể tạo ra nhiều hoóc môn căng thẳng cortisol hơn. Đây là một loại hoóc môn có thể phá vỡ chu kỳ ngủ thức tự nhiên và gây mất ngủ.
|
|
Căng thẳng có thể gây mất ngủ và nhiều triệu chứng cơ thể khác |
Ngoài ra, căng thẳng cũng gây ra các triệu chứng thực thể như căng cơ, nhức đầu và các vấn đề tiêu hóa như nôn mửa, đau bụng. Tất cả đều khiến cơ thể khó chịu và khó chìm vào giấc ngủ.
Thiết lập nhịp sinh học
Một trong những cách hiệu quả nhất để điều trị chứng mất ngủ do căng thẳng là thiết lập giờ ngủ thức phù hợp. Đi ngủ và thức dậy vào những khung giờ cố định và duy trì qua nhiều ngày sẽ giúp thiết lập nhịp sinh học, nhờ đó dễ ngủ hơn. Nghiên cứu cho thấy nhịp sinh học không chỉ giúp dễ chìm vào giấc ngủ mà còn ngủ ngon hơn. Điều quan trọng là phải ưu tiên giấc ngủ, cứ đến giờ là đi ngủ chứ không vì lý do nào mà trì hoãn để thức khuya hơn.
Ngoài ra, phòng ngủ cũng cần là nơi tối, mát, giường và gối phải tạo được cảm giác thoải mái. Đặc biệt, mọi người nên hạn chế dùng điện thoại hay các thiết bị điện tử khác trước khi ngủ vì ánh sáng xanh từ màn hình có thể góp phần gây khó ngủ.
Kỹ thuật thư giãn
Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền hoặc hít thở, thả lỏng cơ thể cũng được chứng minh là giúp cải thiện chứng mất ngủ do căng thẳng. Những kỹ thuật này giúp làm dịu tâm trí và cơ thể, giảm tác động của căng thẳng đến chu kỳ giấc ngủ.
Dùng thuốc
Một lựa chọn khác để điều trị chứng mất ngủ do căng thẳng là dùng thuốc. Có một số loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ mà mọi người có thể mua mà không cần toa của bác sĩ. Phần lớn các loại thuốc này có chất kháng histamine. Thuốc sẽ hữu ích với những người bị nghẹt mũi và ho do cảm cúm hay cảm lạnh.
Trường hợp mất ngủ nghiêm trọng hơn thì cần các loại thuốc theo toa, chẳng hạn như thuốc an thần benzodiazepines thường dùng để điều trị lo âu hoặc mất ngủ kéo dài. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng lâu dài vì sẽ gây tác dụng phụ, theo Verywell Mind.
Theo Thanh niên