Chia sẻ dưới đây của Tiến sĩ Bạch Thị Thu Cúc – Tổ trưởng Tổ nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện về mối tương quan hai chiều giữa stress và hiếm muộn sẽ giúp người bệnh vô sinh hiếm muộn và các cặp vợ chồng mong con nâng cao hiểu biết và các can thiệp ứng dụng vào mối quan hệ này để có thể đạt hiệu quả điều trị cao nhất, sớm mang con yêu khỏe mạnh về nhà.

Một thực tế được công nhận là rất khó để can thiệp trị liệu nhằm loại bỏ hoàn toàn stress. Có chăng là chúng ta sẽ sống chung với stress như thế nào, và làm gì để giảm bớt các căng thẳng, lo âu xảy ra trong quá trình điều trị.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), stress là phản ứng của cơ thể khi phải đối mặt với hoàn cảnh và áp lực vượt quá khả năng xử lý, thách thức khả năng đối phó của con người. Stress không phải là một bệnh, tuy nhiên stress có thể dẫn đến suy nhược về tâm lý, suy giảm hoạt động não bộ và từ đó suy nhược cả cơ thể.

Nói cách khác, căng thẳng là nguyên nhân gây ra các bệnh khác, ví dụ như trầm cảm, mất ngủ. Stress cũng là yếu tố gây tăng nặng cho các bệnh về tiêu hóa, tim mạch, thậm chí là ung thư. Stress cũng có thể góp phần gây ra tình trạng hiếm muộn và làm giảm hiệu quả của điều trị IVF.

Một số nội tiết phản ánh tình trạng căng thẳng như norepinephrine, cortisol, và adrenaline. Nhiều nghiên cứu khi đo trực tiếp nồng độ của các nội tiết này đều chỉ ra rằng khi nồng độ của chúng tăng lên, chất lượng noãn thu được và tỉ lệ có thai giảm đi rõ rệt. Có hai chỉ số hiện đang trở nên nóng hổi, đó là tỉ lệ duy trì điều trị và tương ứng với nó, là tỉ lệ bỏ chu kỳ. Khi người bệnh vượt qua được những khó khăn về cảm xúc sau một vài lần thất bại và kiên trì điều trị, họ sẽ sử dụng được hết tiềm năng sinh học của bản thân.

Ví dụ như việc lần lượt chuyển hết số phôi trữ đông và có thai ở lần chuyển cuối cùng - thành công sẽ không thể xảy ra nếu bỏ cuộc trước đó. Hiện khoa học đã phần nào chỉ ra được tương quan giữa stress và tỉ lệ duy trì điều trị. Đặc biệt là trên nhóm bệnh nhân tiên lượng kém, khi can thiệp để giảm mức độ stress, tỉ lệ duy trì điều trị tăng lên và tỉ lệ sinh con cộng dồn sau nhiều chu kỳ điều trị cao lên rõ rệt.

Ngược lại, tình trạng hiếm muộn thể gây ra stress. Nhiều khi, xã hội mặc định rằng không có con là một điều “bất hạnh”, làm cho cả người vợ và người chồng thấy ngại ngùng, thậm chí là đau đớn xấu hổ nếu không thể có con.

Khi phải tham gia điều trị hiếm muộn, cặp vợ chồng sẽ chuyển từ trạng thái “người bình thường” thành “bệnh nhân” - tức là người có bệnh, cơ thể có khiếm khuyết, điều này làm giảm tự tin của cặp vợ chồng.

Vào viện, áp lực về chi phí không được bảo hiểm chi trả, áp lực về thời gian và quay cuồng giữa các từ ngữ chuyên môn như "vô sinh", "tinh trùng yếu", "dự trữ buồng trứng kém"... càng làm bệnh nhân stress. Về nhà, các câu hỏi của họ hàng, bạn bè càng làm họ tăng thêm áp lực. Đàn ông, vốn được xã hội coi là phái mạnh lại có những nỗi khổ riêng. Ví dụ, rất nhiều người nhầm lẫn giữa tinh trùng yếu và yếu sinh lý.

Ngoài ra, một số nghiên cứu ở Đức và Châu Âu chỉ ra rằng, đàn ông gặp khó khăn trong việc nói ra được tình trạng căng thẳng, lo âu của mình. Khi không thể chia sẻ, mức độ của tình trạng stress lại càng tăng lên.

Thêm vào đó, phải kể đến việc giảm ham muốn trong quá trình điều trị hiếm muộn, nhiều cặp vợ chồng phàn nàn về áp lực khi phải quan hệ tình dục vì mục đích sinh sản. Một số cặp vợ chồng được tư vấn nên giao hợp vào một khoảng thời gian ấn định, khi đó người nữ và đặc biệt là người nam sẽ cảm thấy rất áp lực và giảm ham muốn tình dục.

Từ kinh nghiệm lâm sàng, nhiều bác sĩ chỉ ra rằng nhóm bệnh nhân cần tập trung hỗ trợ tâm lý nhiều nhất là nhóm thất bại nhiều lần. Trong một chu kỳ, giai đoạn stress nhất là giai đoạn từ sau khi chuyển phôi đến khi thử thai. Đối với bệnh nhân thành công và sinh con sớm, gánh nặng tâm lý được gỡ bỏ.

Ngược lại, nhóm thất bại nhiều lần phải trải qua tình trạng "tàu lượn cảm xúc". Nghĩa là hi vọng rồi thất vọng, rồi lại hi vọng rồi thất vọng... vòng quay cứ lặp đi lặp lại như vậy và những tổn thương về tâm lý của người bệnh là không thể chối bỏ.

Căng thẳng, lo âu có gây vô sinh hiếm muộn? - Ảnh 3.

Bác sĩ tư vấn, thăm khám cho bệnh nhân điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Một số hướng can thiệp nhằm giảm stress cho bệnh nhân IVF được nêu ra như sau:

1. Chăm sóc tích hợp

Người bệnh hiếm muộn thường né tránh việc tìm đến chuyên gia tâm lý. Do đó, y bác sĩ Hỗ trợ sinh sản ngoài việc điều trị hiếm muộn sẽ phải kiêm thêm cả phần chăm sóc về tâm lý cho bệnh nhân của mình.

2. Hợp tác trong chăm sóc

Nhóm điều trị hiếm muộn sẽ phải bao gồm cả bác sĩ lâm sàng, điều dưỡng, lab và thêm vào đó là chuyên viên tâm lý, chuyên viên dinh dưỡng, huấn luyện viên yoga và thể chất... Tất cả đồng thuận và cùng nhau hợp tác với nhau để điều trị hiếm muộn và chăm sóc tâm lý, thể chất, dinh dưỡng cho bệnh nhân.

3. Liệu pháp nhận thức

Đây là can thiệp về nhận thức, phân tích những suy nghĩ tiêu cực của người bệnh và “sửa lỗi nhận thức”. Ví dụ: Tôi thất bại rồi, tôi bỏ cuộc thôi. => Tôi đã cổ hết sức rồi, chưa được thì nghỉ ngơi rồi cố tiếp, vẫn còn hi vọng. Đây là hướng tiếp cận quan trọng và được chỉ ra có hiệu quả cao.

Đặc biệt, bác sĩ và nhân viên y tế nên tránh nói “Anh/chị đừng căng thẳng quá”, người nghe sẽ rất bối rối khi nhận được lời khuyên như thế này, vì họ không hề muốn bị stress và câu hỏi phải làm như thế nào để giảm stress thì vẫn chưa được trả lời.

Thêm vào đó, chính những câu nói như vậy, vô tình sẽ làm bệnh nhân nghĩ có thể chính việc mình stress gây ra điều trị thất bại, tuy điều này có thể đúng nhưng việc bệnh nhân tự kết tội bản thân không giải quyết được gì cả.

4. Y học hành vi

Đây là việc thay đổi các hành vi để giảm stress và nâng cao chất lượng cuộc sống, ví dụ chú ý dinh dưỡng, giải trí, đi massage, yoga hoặc nói ra, giải tỏa được stress của mình với cộng đồng xung quanh.

Mối quan hệ giữa tâm trí và cơ thể (body and mind) vô cùng phức tạp nhưng cũng rất thú vị. Hiện nay, mặc dù với rất nhiều tiến bộ của y học, mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí vẫn còn có nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Cũng như vậy, tương quan giữa stress và IVF cũng vẫn có nhiều vấn đề chúng ta phải nghiên cứu thêm. Hiểu biết và các can thiệp ứng dụng vào mối quan hệ này có thể đem lại hiệu quả rõ rệt trong điều trị hiếm muộn, nâng cao chất lượng trải nghiệm, tăng thêm chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Theo suckhoedoisong.vn