Trái ngọt đến với người phụ nữ gần 50 tuổi

Dắt cô công chúa tròn 2 tuổi đến Bệnh viện Bưu Điện trong Ngày hội tư vấn vô sinh, hiếm muộn diễn ra sáng 2/8, chị Nguyễn Thị Kim Phấn cùng chồng gặp gỡ nhiều cặp vợ chồng khác cũng có nhiều gian nan tìm trái ngọt hôn nhân như họ.

Chị Phấn (ở Thạch Thất, Hà Nội) năm nay 49 tuổi, nhưng con gái chị mới tròn 2 tuổi. Chị lập gia đình muộn, sau 3 năm kết hôn vẫn không có con, hai vợ chồng chị đi khắp nơi chữa trị.

Ai mách bất cứ địa chỉ nào, từ thuốc nam, thuốc bắc, hai vợ chồng đều vượt đường xa tìm đến cắt thuốc. Cả hai cũng đi đến nhiều bệnh viện, uống số thuốc tính đến giờ không thể nhớ xuể, nhưng thiên thần vẫn chưa đến với anh chị.

"Hai vợ chồng tôi luôn động viên nhau không được tuyệt vọng, mà cần nuôi hi vọng, khát khao để con sẽ đến với mình", chị Phấn chia sẻ.

Năm 2019, khi đến khám tại Bệnh viện Bưu điện, các bác sĩ chẩn đoán chị bị xoắn đáy tử cung, có nguy cơ vô sinh. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ chỉ định làm thụ tinh ống nghiệm.

Nhiều bệnh lý dẫn đến vô sinh, hiếm muộn ở cả nam và nữ - 1

Chị Phấn và cô công chúa 2 tuổi vui mừng gặp lại bác sĩ điều trị.

May mắn dù tuổi đã cao, nhưng chị đậu thai. "Nhớ lần đầu thử thai 2 vạch, tôi vẫn run run hồi hộp, không dám tin vào mắt mình. Sau đó là những ngày giữ gìn, "đi nhẹ nói khẽ", khám thai định kỳ và chăm sóc sức khỏe theo tư vấn của các bác sĩ. Rồi 9 tháng 10 ngày, trái ngọt của chúng tôi cũng chào đời mạnh khỏe", chị Phấn chia sẻ.

Theo chị Phấn, trong hành trình tìm trái ngọt, người ít thì 1-2 năm, có những người hàng chục năm. Dù khó khăn, vất vả đến mấy, hi vọng rồi lại thất vọng, mỗi người vẫn nên vượt qua cảm giác buồn đau ấy, có niềm tin, có quyết tâm, hãy kiên trì, sẽ có ngày con về với chúng ta.

Nhiều nguyên nhân gây vô sinh

Theo BSCKI Nguyễn Thị Nhã - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, trước đây, các cặp vợ chồng kết hôn lâu không có con, người phụ nữ rất hay bị "đổ tội", trong khi đó, các nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới cũng rất phổ biến.

Đó là những trường hợp người nam giới không có tinh trùng hay tinh trùng dị dạng, tinh trùng đầu tròn...; hay người vợ gặp các vấn đề về nội tiết tố, bệnh lý ở tử cung, rối loạn buồng trứng, tắc vòi trứng bệnh, rối loạn phóng noãn (rụng trứng), niêm mạc tử cung mỏng hoặc viêm lộ tuyến... ; thậm chí nhiều trường hợp cùng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh hoặc mang gen các bệnh lý di truyền (đã từng sinh con bị bệnh hoặc không thể mang thai).

Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và vô sinh cao, gần 8% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đang đối mặt với hiếm muộn. Ước tính cả nước hiện nay có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị.

Những cặp vợ chồng này đều trải qua hành trình thăm khám ở nhiều nơi, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) cả chục lần, vài lần làm IVF... nhưng đều thất bại khiến nhiều người thất vọng, buông bỏ...

Theo BS Nhã, hành trình tìm kiếm thiên thần của các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn phải rất kiên trì. Bác sĩ sẽ giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh tật, đặc biệt luôn động viên, khích lệ, giúp các cặp vợ chồng ổn định tâm lý, có niềm tin, quyết tâm đeo đuổi chữa vô sinh, hiếm muộn.

"Chúng tôi tổ chức nhiều buổi tư vấn, hướng dẫn cụ thể về chuyên môn cũng như các điều kiện cần thiết khác góp phần nâng cao hiểu biết của mọi người, nhất là người bệnh vô sinh, hiếm muộn về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, nguy cơ, nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, cách phòng tránh cũng như phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả khi bị vô sinh, hiếm muộn", BS Nhã thông tin.

Theo BSCKII Trần Hùng Mạnh - Giám đốc BV Bưu điện, nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật, đến nay, tại bệnh viện, lượng người bệnh khám mới, số chu kỳ IVF, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ có thai và tỷ lệ em bé chào đời liên tục tăng lên theo thời gian. Riêng tỷ lệ thành công đối với kỹ thuật IVF hiện nay là gần 70%.

Ngoài ra, các chỉ số an toàn cũng luôn đặc biệt được quan tâm như tỷ lệ biến chứng, tỷ lệ gặp phải hội chứng quá kích buồng trứng tiệm cận mức 0%; tỷ lệ đa thai giảm đạt chuẩn an toàn quốc tế.

BS Hùng Mạnh cho biết, trước đây, việc điều trị vô sinh, hiếm muộn đặt mục tiêu là có thai, thì nay, mục tiêu phải đạt là có thai kỳ an toàn, sinh con khỏe mạnh và người bệnh có trải nghiệm tích cực.

 BS Hùng Mạnh lưu ý, mọi người nên khám tiền hôn nhân trước khi lập gia đình, sinh con. Bởi trên thực tế, không ít cặp vợ chồng do mang gen bệnh di truyền, như bệnh tan máu bẩm sinh nên sinh ra những em bé không khỏe mạnh, mắc bệnh lý di truyền, cả cuộc đời phải gắn liền với bệnh viện.

Khi phát hiện vợ chồng mang gen các bệnh lý di truyền, các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp mới, công nghệ hiện đại giúp người bệnh đạt hiệu quả điều trị cao trong điều trị, loại bỏ bệnh lý di truyền, giúp sinh ra em bé hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gen bệnh của bố mẹ, trong đó điển hình là bệnh tan máu bẩm sinh.

Theo dantri.com.vn