Hôm nay 20.7, tại Kiên Giang, đoàn công tác của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc tại CDC tỉnh Kiên Giang về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, bác sĩ Võ Thị Lợt, Phó giám đốc CDC tỉnh Kiên Giang, cho hay số người nhiễm HIV của tỉnh đứng thứ 4 các tỉnh ĐBSCL và thứ 16 trong cả nước.
Hàng năm, Kiên Giang phát hiện thêm 350 - 400 ca nhiễm (năm 2022 phát hiện 469 ca). Đến hết tháng 6, số tích lũy phát hiện HIV của Kiên Giang là 6.509 người, trong đó 1.702 người đã tử vong.
Số người nhiễm HIV còn sống quản lý được hiện là 84,6% (4.068 người); có 3.161 người nhiễm đang được điều trị ARV - thuốc kháng virus HIV (74 là trẻ em dưới 15 tuổi).
Đối tượng dễ bị nhiễm và tỷ lệ nhiễm cao là nhóm có quan hệ tình dục đồng giới, người nghiện chích ma túy, người mua bán dâm.
Qua thống kê cho thấy, số người bị nhiễm HIV do lây qua đường tình dục là 81,7% (năm 2022 phát hiện chủ yếu do lây qua đường tình dục với tỷ lệ 97,9%). Độ tuổi nhiễm HIV từ 25 - 49 là 72,3%. Từ năm 2017 đến nay, nam giới nhiễm HIV gia tăng trở lại, chiếm 85,7% (năm 2022); 99,3% (143/144) xã/phường đã ghi nhận có ca nhiễm HIV.
Lây nhiễm trong nhóm MSM trẻ
Thông tin thêm về đường lây nhiễm HIV mới nổi trong các năm gần đây, đại diện CDC tỉnh Kiên Giang cho hay, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) gia tăng từ năm 2013 và từ 2015 - 2020 tăng mạnh (từ 11,3% lên 14,7%); năm 2022 có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ vẫn cao (11,3%).
Bác sĩ Lợt cho biết thêm, với hỗ trợ của các dự án, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đang triển khai tại Kiên Giang được chú trọng như: can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn, xét nghiệm HIV; khám và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); điều trị thuốc kháng virus HIV; điều trị viêm gan virus C trên người bệnh đồng nhiễm HIV, viêm gan virus C.
Chia sẻ về triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh HIV trong khuôn khổ Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam (dự án EPIC), bác sĩ Giang Văn Tiên (Khoa HIV/AIDS, CDC tỉnh Kiên Giang) cho hay, dự án triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh, tăng cường tìm ca bệnh HIV, chú trọng trong nhóm MSM.
Trong số ca nhiễm HIV mới ghi nhận tại Kiên Giang, các trường hợp nhóm MSM chiếm khoảng 50%. Các ca nhiễm HIV trong nhóm MSM cũng trẻ hóa, có xu hướng tăng trong nhóm 16 - 25 tuổi, giảm ở nhóm từ 35 tuổi trở lên. Riêng tại các địa phương triển khai dự án EPIC là Rạch Giá, Châu Thành và Phú Quốc, số ca nhiễm HIV là MSM chiếm 59% các ca nhiễm mới.
Theo bác sĩ Lợt, Phú Quốc là huyện mới được triển khai dự án EPIC từ đầu năm nay, là địa phương được đánh giá khá phức tạp về nguy cơ HIV do hầu hết người nhiễm trong nhóm MSM là từ nơi khác đến, nhân viên y tế khó tiếp cận.
Hiện, việc tiếp cận các MSM hầu như chỉ dựa vào CBO (mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng các MSM). Các CBO tư vấn cho MSM và tư vấn cho bạn tình của họ về tình dục an toàn, cung cấp bao cao su, chất bôi trơn. Khi có ca dương tính thì tư vấn sâu để họ xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm khẳng định và được sử dụng thuốc điều trị ARV ngay khi xác định dương tính.
Tỉnh Kiên Giang hiện có có 9 phòng khám cấp thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV; nhiều người có xét nghiệm dương tính đã được dùng thuốc điều trị ngay trong ngày.
Dùng thuốc ARV càng sớm càng tốt
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, PrEP là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Thuốc có vai trò như vắc xin, với hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV tới trên 90%. Để PrEP có thể phát huy được tối đa hiệu quả, người dùng phải tuân thủ việc uống thuốc theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế.
Với các trường hợp dương tính HIV cần dùng thuốc ARV sớm, điều trị càng sớm càng tốt. Tốt nhất điều trị khi biết mình nhiễm HIV, kể cả khi thấy còn mạnh khỏe để hệ miễn dịch của người nhiễm HIV không bị phá hủy bởi HIV.
Khi một người nhiễm HIV uống ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện (tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu) sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình chưa nhiễm HIV của họ.
Theo Thanh niên